Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, Báo cáo Đánh giá thiệt hại tạm thời được hỗ trợ tài chính từ Liên minh châu Âu (EU), khẳng định rằng số tiền này tương đương với gần 97% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Bờ Tây và Dải Gaza trong năm 2022.
Báo cáo cho biết thiệt hại ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế Palestine, trong đó lĩnh vực nhà ở chiếm 72% chi phí. Cơ sở hạ tầng dịch vụ công như nước, y tế và giáo dục chiếm 19%, trong khi các tòa nhà thương mại và công nghiệp chiếm 9% còn lại.
Ước tính có khoảng 26 triệu tấn gạch, đá và bê tông đổ nát còn lại sau xung đột và sẽ phải mất nhiều năm mới có thể dọn dẹp sạch.
Báo cáo nhấn mạnh rằng toàn bộ dân số Gaza đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng cấp tính, trong đó hơn một nửa đứng trước nạn đói.
Hơn một triệu người không có nhà ở và 75% dân số phải di dời. Những tác động tích lũy mang tính thảm họa đối với sức khỏe thể chất và tinh thần gây ảnh hưởng nặng nề nhất đến phụ nữ, trẻ em, người già và người khuyết tật, trong khi trẻ nhỏ nhất được cho là sẽ phải đối mặt với các vấn đề phát triển suốt đời.
Người dân Gaza bị hạn chế các quyền tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thuốc men hoặc các phương pháp điều trị nhằm cứu mạng sống. Khoảng 84% cơ sở y tế đã bị phá hủy, thiếu điện và nước. Người dân đang phải sống trong cảnh thiếu nước do hệ thống nước và vệ sinh gần như sụp đổ. Hệ thống giáo dục không hoạt động trong khi trẻ em không được đến trường. Báo cáo cũng chỉ ra tác động đối với mạng lưới điện cũng như hệ thống năng lượng mặt trời và tình trạng mất điện gần như thường xuyên kể từ tuần đầu tiên của cuộc xung đột.
Việc cung cấp viện trợ nhân đạo cơ bản cho người dân gần như không thể thực hiện được, với 92% đường giao thông chính bị phá hủy hoặc hư hỏng và cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc bị ảnh hưởng nghiêm trọng.