Trong số những thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại nặng nề nhất, các cơn bão đổ bộ vào Mỹ thường cướp đi sinh mạng của nhiều người, tàn phá tài sản và để lại nỗi đau khổ cho những người còn sống sót. Mưa bão cũng gây tàn phá đối với chuỗi cung ứng.
Nếu một cơn bão lớn được dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền, Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA) và các cơ quan cấp tiểu bang sẽ tận dụng mọi xe tải hiện có trên thị trường để thực hiện các hoạt động cứu trợ.
Năm 2005, bão Katrina đòi hỏi một trong những đợt cứu trợ và hỗ trợ phục hồi lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Chính phủ Mỹ đã huy động 100.000 xe tải để vận chuyển hàng hóa cứu trợ năm đó. Đến năm 2017, bão Harvey tiếp tục thảm họa thiên nhiên gây khan hiếm xe tải lớn nhất trong lịch sử gần đây.
Bão Lee có khả năng gây gián đoạn chuỗi cung ứng nếu đổ bộ vào Mỹ. Cơn bão này đã gia tăng sức mạnh từ bão nhiệt đới thành siêu bão vào đầu tuần này. Nó có thể trở thành siêu bão cấp 4 với sức gió lên đến 240 km/h trong những ngày tới.
Bão Lee đang ở trên Đại Tây Dương. Vào thời điểm này, còn quá sớm để dự đoán cơn bão này Lee sẽ tấn công vào khu vực Caribe hay Mỹ.
Tuy nhiên, nếu Lee, hoặc bất kỳ cơn bão lớn nào, đổ bộ vào gần một thành phố lớn, nó có thể gây ra tình trạng đứt đoạn nghiêm trọng về hoạt động vận chuyển đối với chủ hàng ở Mỹ ngay trước mùa cao điểm.
Mưa bão khiến nhu cầu sử dụng xe tải tăng mạnh và các thương nhân sẽ phải đối mặt với mức giá cước vận chuyển cao hơn nhiều. Tệ nhất, họ có thể không có xe tải để vận chuyển hàng hóa.
Tùy thuộc vào nơi bão đổ bộ và đường đi của nó trên đất liền, nhiều cơ sở hạ tầng có thể bị ảnh hưởng. Các cảng biển nằm trên đường đi của bão sẽ đóng cửa và phải chờ đợi để mở lại, đặc biệt nếu xảy ra thiệt hại. Điều này cũng tương tự với sân bay, nhà ga đường sắt và chắc chắn cả một số cây cầu và đường cao tốc.