Theo kênh CNN, ông Vadim Krasnoselskyi cho biết trong một thông điệp trên Telegram ngày 4/1: “1.500 tòa nhà chung cư cao tầng không có nhiệt sưởi ấm và nước nóng. Gần 72.000 hộ gia đình tư nhân không có khí đốt. 150 nhà máy nồi hơi khí đốt đã bị đóng cửa. May mắn là khu vực của chúng ta nhiều củi. Vẫn còn dự trữ… Chúng ta không thể tránh được tình trạng mất điện luân phiên. Điều này là cần thiết để bảo vệ hệ thống. Tôi chắc chắn rằng mọi người đều hiểu và chấp nhận giai đoạn này. Chính quyền đã xây dựng một lịch trình, dựa trên đó để tổ chức cuộc sống và hoạt động hàng ngày sao cho ít phiền toái nhất”.
Ông Krasnoselskyi cũng khuyến khích người dân ở các khu vực nông thôn có bếp đốt củi tìm và đốt củi khi có thể.
Khu vực Transnistria đã rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng kể từ ngày đầu năm mới, khi Ukraine ngừng cho Nga trung chuyển khí đốt sang châu Âu qua lãnh thổ của mình sau khi thỏa thuận hết hạn.
Transnistria đã nhận khí đốt của Nga qua Ukraine cho đến khi nguồn cung bị cắt đứt.
Mặc dù mùa đông châu Âu đến nay tương đối ấm áp, nhưng dự báo nhiệt độ ở thủ phủ Tiraspol của Transnistria sẽ chỉ nhích lên trên mức đóng băng vào cuối tuần này trong bối cảnh một đợt lạnh quét qua hầu hết châu Âu.
Nghị viện của Transnistria đã kêu gọi Điện Kremlin đạt được một thỏa thuận mới với Ukraine về khí đốt vào tháng trước. Trước khi thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Ukraine hết hạn, Nga đã cung cấp cho Moldova khoảng 2 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, được bơm qua Transnistria.
Theo hãng tin Reuters, Ukraine có thể mất khoảng 800 triệu USD phí trung chuyển khí đốt Nga mỗi năm, trong khi tập đoàn khí đốt Gazprom thuộc sở hữu của Nga sẽ mất gần 5 tỷ USD doanh thu khí đốt.
Trong khi đó, Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã nói rằng ông có thể cắt giảm nguồn cung điện cho Ukraine và giảm viện trợ cho người tị nạn Ukraina để đáp trả việc Ukraine không gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt.
Châu Âu nhìn chung đã giảm đáng kể phụ thuộc năng lượng Nga từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine hồi tháng 2/2022, nhưng một số khu vực của Khối Đông Âu cũ vẫn nhập khẩu khí đốt với số lượng lớn.
Nga chính thức ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine từ ngày 1/1 khi thỏa thuận quá cảnh 5 năm giữa hai nước hết hạn.
Theo số liệu từ công ty vận hành hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine, tính đến 15h GMT ngày 31/12/2024 (tức 23h ngày 31/12 theo giờ Việt Nam), Nga chưa đăng ký bất kỳ lượng khí đốt nào cho ngày 1/1 qua đường ống dẫn khí trên lãnh thổ Ukraine.
Mặc dù đang có xung đột với Nga, nhưng Ukraine vẫn cho phép khí đốt Nga quá cảnh tới châu Âu theo thỏa thuận ký tháng 12/2019, dù nhiều lần tuyên bố sẽ không ký thỏa thuận mới do xung đột hiện nay.
Nga từng cung cấp gần một nửa lượng khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU). Mất nguồn cung khí đốt giá rẻ từ Nga đã góp phần thúc đẩy suy giảm kinh tế nghiêm trọng, lạm phát tăng vọt cũng như làm trầm trọng thêm khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Một ngày sau khi Nga dừng trung chuyển khí đốt qua Ukraine, ngày 2/1, Ba Lan – nước Chủ tịch luân phiên EU – khẳng định tình hình vẫn ổn định khi tất cả các thành viên đều sử dụng kết hợp nguồn dự trữ mùa đông và nhập khẩu từ nước thứ ba, giúp đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Mặc dù đã có chuyển biến lớn trong xu hướng nhập khẩu, song giá khí đốt không tăng mạnh. Ủy ban châu Âu nhận định hiện có không có quan ngại nào về an ninh nguồn cung.