Nga thúc đẩy trật tự thế giới đa cực trong năm 2024

Từ châu Á đến châu Phi, từ kinh tế đến văn hóa, Nga đã mở rộng quan hệ đối tác và tăng cường ảnh hưởng toàn cầu bất chấp các thách thức từ phương Tây.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại một sự kiện ở Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thông cáo mới đây của Bộ Ngoại giao Nga (mid.ru/en), năm 2024 đánh dấu những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện chương trình chính sách đối ngoại được Tổng thống Vladimir Putin phê duyệt vào tháng 3/2023. Theo đó, Nga đã tích cực thúc đẩy một trật tự thế giới đa cực, công bằng dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.

Trong quan hệ với các đối tác chiến lược, thương mại song phương Nga - Trung đạt mức kỷ lục 240 tỷ USD, với 95% thanh toán bằng tiền tệ quốc gia. Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Putin tới Trung Quốc vào tháng 5/2024 đã nâng tầm quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Quan hệ với Ấn Độ cũng được thúc đẩy mạnh mẽ sau chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Nga vào tháng 7 cùng năm, mở đường cho việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, giao thông vận tải, năng lượng, khoa học và công nghệ.

Đối với khu vực lân cận, Nga đã ký kết các thỏa thuận an ninh song phương với Belarus và Triều Tiên. Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Putin tới Azerbaijan, Uzbekistan, Kazakhstan và Việt Nam đã củng cố quan hệ đối tác chiến lược với các nước này, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải và sản xuất công nghiệp. 

Một điểm nhấn quan trọng là Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan dưới sự chủ trì của Nga, với sự tham dự của 36 quốc gia và 6 tổ chức đa phương. Hội nghị đã thống nhất các bước cải cách cấu trúc tiền tệ và tài chính toàn cầu, thiết lập cơ chế giao dịch xuyên biên giới chung và thành lập nhiều nhóm công tác chuyên môn như khí hậu, phát triển bền vững, y học hạt nhân và vận tải.

Trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, dự án Hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam (NSITC) đã có những bước tiến quan trọng. Các quyết định chiến lược được thông qua để phát triển đoạn Rasht-Astara và mạng lưới đường sắt Iran. Nga cũng thiết lập các khu kinh tế đặc biệt mới với Iran, Ấn Độ và Kazakhstan, đồng thời thành lập Liên minh quốc tế các khu kinh tế đặc biệt NSITC.

Trong khuôn khổ Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) dưới sự chủ trì của Nga, hợp tác năng lượng và công nghiệp hóa chất được thúc đẩy mạnh mẽ. Hiệp định về Thương mại tự do trong Dịch vụ, Thành lập, Hoạt động và Đầu tư tại CIS đã có hiệu lực. 7 tuyên bố chung ở cấp nguyên thủ quốc gia và ngoại trưởng được thông qua về các vấn đề quốc tế hiện tại.

Đối với thế giới Hồi giáo, quan hệ được tăng cường thông qua chuyến thăm của Tổng thống UAE tới Nga vào tháng 10 năm ngoái. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tham dự Hội nghị cấp bộ trưởng Hội đồng Hợp tác Vùng vịnh (GCC) lần thứ 7 và thăm Qatar, UAE, đóng góp vào việc tìm giải pháp cho các điểm nóng như Palestine-Israel, Yemen, Sudan và Syria.

Trong quan hệ với châu Phi, Diễn đàn đối tác Nga - châu Phi cấp bộ trưởng đầu tiên được tổ chức vào tháng 11/2024, tập trung vào an ninh lương thực, đào tạo nhân sự, khai thác khoáng sản, chuyển đổi số và các lĩnh vực khác. Nga cũng đã chuyển 200 tấn viện trợ nhân đạo tới Afghanistan và chủ trì cuộc họp lần thứ 6 của Hội nghị tham vấn về Afghanistan theo Định dạng Moskva.

Trong nỗ lực thúc đẩy giao lưu nhân dân, Nga đã mở rộng danh sách các nước được cấp thị thực điện tử và miễn thị thực cho công dân Gruzia. Dự án thí điểm "Ngôi nhà Nga" được triển khai với 17 thỏa thuận đầu tiên ký kết với các tổ chức từ nhiều quốc gia như Algeria, Bolivia, Iraq, Mali, UAE, Thái Lan và các nước khác.

Đối với phương Tây, trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt và sức ép gia tăng, Nga vẫn duy trì đối thoại với một số nước NATO và EU như Áo, Hungary, Malta, Slovakia, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức cũng như Vatican và Thụy Sĩ. Nga nhấn mạnh rằng xung đột Ukraine chỉ có thể giải quyết bằng cách xóa bỏ các mối đe dọa an ninh từ việc NATO mở rộng về phía Đông và đảm bảo quyền lợi của người nói tiếng Nga.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo mid.ru/en)
Syria chặn tàu chở hàng Sparta II của Nga tại cảng chiến lược Tartus
Syria chặn tàu chở hàng Sparta II của Nga tại cảng chiến lược Tartus

Việc tàu cứu hộ Sparta II bị chặn tại cảng Tartus không chỉ gây khó khăn cho kế hoạch sơ tán tài sản quân sự của Nga mà còn phản ánh những thay đổi sâu sắc trong mối quan hệ giữa Moskva và chính quyền mới ở Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN