Tại cuộc gặp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói nói rằng không thế lực nào có thể làm chia tách hai bờ Eo biển Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh rằng “chúng ta là một gia đình”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh lịch sử 66 năm phát triển quan hệ giữa hai bờ Eo biển cho thấy rằng bất kể hai bên đã trải qua biết bao thử thách, Trung Quốc và Đài Loan không thể bị tách rời.
Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) và ông Mã Anh Cửu tại cuộc gặp ở Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bên cạnh đó, ông Tập Cận Bình kêu gọi hai bờ Eo biển Đài Loan tránh lặp lại bi kịch lịch sử, với lời nhận định “hiện tại, chúng ta đang ở giao lộ để lựa chọn định hướng và lộ trình cho sự phát triển trong tương lai của quan hệ giữa hai bờ Eo biển”.
Về phần mình, ông Mã Anh Cửu đã nói với Chủ tịch Trung Quốc rằng hai bên nên tôn trọng lẫn nhau.
Giới quan sát nhận định cuộc gặp quan trọng này có thể thiết lập một giai đoạn mới cho quan hệ giữa hai bờ eo biển trong nhiều năm tới. Ngay trước thềm cuộc gặp, cả hai bên đều khẳng định hòa bình và hợp tác qua eo biển sẽ là nội dung chính của chương trình nghị sự lần này và ông Mã Anh Cửu cũng hy vọng rằng cuộc gặp với ông Tập Cận Bình sẽ là bước khởi đầu quan trọng hướng tới việc chính thức hóa kênh đối thoại này trong tương lai.
Trong một diễn biến khác, theo tờ "Straits Times" của Singapore, thủ lĩnh Đảng Dân Tiến Đài Loan (DPP) đối lập đồng thời là ứng cử viên tổng thống của hòn đảo này, bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) trong một phát biểu cho hay cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan là khá “nhạy cảm” đồng thời nhấn mạnh rằng “nếu không có một cấu trúc hoàn chỉnh, cây cầu nối này khó có thể ổn định”.
Cấu trúc được bà Thái Anh Văn đề cập tới chính là sự tương đồng giữa các nhà lãnh đạo, tính minh mạch và các điều kiện phi chính trị. Đây được coi là tuyên bố khá “dịu giọng” của phe đối lập khi trước đó đảng này đã có lời chỉ trích cuộc họp này là "không thể chấp nhận" đối với Đài Loan và ông Mã Anh Cửu không được ủy quyền để tham gia đàm phán.