Đài Sputnik dẫn lời ông Kalenteridis cho hay kịch bản này có thể trở thành hiện thực, nếu ông Trump thực hiện các mối đe dọa trước đó đối với NATO.
Giáo sư Kalenteridis nhớ lại trước đây, ông Trump từng cảnh báo Mỹ sẽ không bảo vệ các thành viên NATO không tuân thủ yêu cầu chi tiêu quốc phòng tối thiểu, theo mức cam kết 2% GDP của liên minh.
“Điều này có thể làm suy yếu NATO và thúc đẩy EU chuyển sang áp dụng Điều 42.7 của Hiệp ước Lisbon, trong đó quy định các biện pháp hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên EU. Kịch bản này có thể mở đường cho Pháp đóng vai trò lãnh đao trong EU, bởi quốc gia này trong lịch sử đã tìm kiếm chính sách quân sự độc lập và đôi khi đi chệch khỏi lộ trình của NATO”, ông phân tích
Giáo sư Kalenteridis cũng không loại trừ khả năng Tổng thống Pháp tương lai có thể cắt đứt quan hệ của Paris với NATO. Ông lập luận về lâu dài điều đó sẽ có lợi cho Nga, quốc gia đã nhiều lần cảnh báo liên minh này về việc mở rộng về phía Đông.
Trước đó, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2018, Tổng thống Trump đã tiến gần đến việc rút Mỹ khỏi NATO ngay tại cuộc họp. Mới đây, trong bài phát biểu đầu tiên sau chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông Trump một lần nữa nhắc lại khả năng rút Mỹ khỏi NATO, cáo buộc các đồng minh không đóng góp đủ cho an ninh chung của liên minh.
“Nếu họ trả các hóa đơn về an ninh và nếu tôi cho rằng họ đối xử công bằng với Mỹ, thì câu trả lời chắc chắn là tôi sẽ ở lại NATO” ông nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết hoàn toàn có khả năng Mỹ sẽ rút khỏi khối này.
"Châu Âu chỉ chi một phần nhỏ cho an ninh NATO so với Mỹ, và trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga, nguy cơ sẽ nghiêm trọng hơn đối với châu Âu hơn là chúng tôi. Chúng tôi có một đại dương ngăn cách”, ông Trump nói thêm.
Ông Trump từ lâu đã phàn nàn rằng các chính phủ châu Âu và Canada trong khối phòng thủ chung đang hưởng lợi từ chi tiêu quân sự của Mỹ, đối tác mạnh nhất NATO. Điều đó đã khiến Mỹ phải gánh vác phần lớn chi phí phòng thủ trong nhiều năm qua.
NATO và các quốc gia thành viên cho biết phần lớn các thành viên trong khối đang hướng tới việc đạt được các mục tiêu chi tiêu quốc phòng tự nguyện, một phần là do áp lực từ ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Tháng 11/2024, tờ Politico đã đề cập đến khả năng ông Trump có thể lách luật để rút Mỹ khỏi NATO mà không cần sự chấp thuận của Thượng viện hoặc Quốc hội. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ông Trump có thể sử dụng quyền hạn của tổng thống trong chính sách đối ngoại để vượt qua các ràng buộc lập pháp, giống như cách ông đã làm khi rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung với Nga vào năm 2019.
Tờ Politico cảnh báo rằng kịch bản Mỹ rút khỏi NATO có thể dẫn đến sự bất ổn nghiêm trọng trong liên minh và làm suy yếu vị thế của NATO trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên trường quốc tế.