Phát hiện "thế giới nước" trong vũ trụ

Ngày 21/2, các nhà thiên văn học Mỹ đã công bố phát hiện về một "thế giới nước" giữa lòng vũ trụ bao la. Thay vì các thành phần cấu tạo cơ bản quen thuộc như đất đá, khí đốt... như tại các hành tinh đã được phát hiện, nước là thành phần chính của hành tinh mới này.

Hành tinh được đặt tên là GJ 1214b, hay còn gọi là "siêu Trái Đất", có bán kính gấp 2,7 lần và trọng lượng gấp 7 lần so với Trái Đất của chúng ta. Các nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm Vật lý học thiên thể Harvard-Smithsonian đã tiến hành quan sát GJ 1214b bằng kính viễn vọng Hubble của Cơ quan Hàng không vũ trụ (NASA) kể từ năm 2009 khi hành tinh này mới được phát hiện.

Hành tinh GJ 1214b. Nguồn: bellenews.com.


Trong suốt quá trình nghiên cứu năm 2010, các nhà khoa học đã phát hiện những manh mối cho thấy hành tinh mới này có thành phần chính là nước khi nó di chuyển ngang qua phía trước ngôi sao chủ, đồng thời ánh sáng của hành tinh phản chiếu qua bầu khí quyển. Trung tâm Vật lý học thiên thể Harvard-Smithsonian cho hay hành tinh này quá nóng đối với con người với nhiệt độ trung bình khoảng 232 độ C, song kết luận "thế giới mới được tìm thấy" này chủ yếu được bao phủ bởi bầu khí quyển hơi nước dày đặc, đồng thời chứa một khối lượng nước nhiều hơn hẳn so với Trái Đất.

Việc phát hiện hành tinh GJ 1214b được xem là một bước tiến lớn trong công cuộc tìm kiếm một hành tinh có sự sống. Những nhà thiên văn học hy vọng sẽ tìm được anh em sinh đôi của Trái Đất: những hành tinh bụi đất với nước dạng lỏng và bầu khí quyển có thể duy trì sự sống. Phân tích những yếu tố cấu tạo nên những bầu khí quyển ngoài hành tinh sẽ rất quan trọng đối với công cuộc tìm kiếm này.


TTXVN/Tin Tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN