Phát hiện tượng đất sét giống người ngoài hành tinh có niên đại 7.000 năm

Một chiếc đầu đất sét kỳ lạ với hình dáng giống người ngoài hành tinh, có niên đại hàng ngàn năm, đã được khai quật tại Kuwait, khiến giới khảo cổ học đặt ra nhiều câu hỏi về nguồn gốc và ý nghĩa của nó.

Chú thích ảnh
Các nhà khảo cổ học gần đây đã phát hiện ra một bức tượng nhỏ 7.000 năm tuổi trông giống như người ngoài hành tinh. Ảnh: SWNS

Trong một thông cáo báo chí từ Đại học Warsaw (Ba Lan), các nhà nghiên cứu thuộc phái đoàn khảo cổ Kuwait-Ba Lan cho biết đã tìm thấy hiện vật này tại Bahra 1, một địa điểm khảo cổ ở vùng Subiya, Kuwait.

Thông cáo mô tả hiện vật là một trong những khám phá đáng chú ý nhất trong cuộc khai quật. Đây là một đầu tượng đất sét nhỏ được chế tác tinh xảo, có đặc điểm hộp sọ kéo dài, mắt xếch và mũi tẹt.

Hiện vật này có niên đại từ thời kỳ Ubaid ở Lưỡng Hà cổ đại, trước thời đại đồ đồng. Các nhà khảo cổ ước tính nó được tạo ra vào thiên niên kỷ thứ 6 Trước Công nguyên, tức cách đây khoảng 7.000 đến 8.000 năm.

"Hiện diện của hiện vật này đặt ra những câu hỏi thú vị về mục đích và giá trị biểu tượng hoặc nghi lễ mà nó mang lại cho cộng đồng cổ đại", Giáo sư Piotr Bieliński từ Đại học Vácsava nhận định.

Dù những bức tượng tương tự từ thời kỳ Ubaid đã được phát hiện trước đó, đây là lần đầu tiên một hiện vật như vậy được tìm thấy trong vùng Vịnh Ba Tư, làm dấy lên giả thuyết về các mối liên hệ văn hóa giữa Lưỡng Hà và bán đảo Arap.

Chú thích ảnh
Nhóm khảo cổ học chung Kuwait-Ba Lan. Ảnh: SWNS

Tại Bahra 1, các nhà khảo cổ cũng phát hiện hai loại gốm hoàn toàn khác nhau. Một loại thuộc gốm Ubaid, được nhập khẩu từ Lưỡng Hà, và loại còn lại, được gọi là Coarse Red Ware (CRW), được sản xuất tại khu vực bán đảo Arap.

Thông cáo cho biết loại gốm CRW từ lâu được cho là sản xuất tại địa phương trong khu vực Vịnh, nhưng địa điểm sản xuất cụ thể vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, phát hiện tại Bahra 1, bao gồm một bình đất sét chưa nung, đã cung cấp bằng chứng thuyết phục về nơi sản xuất.

Điều này xác nhận Bahra 1, một trong những khu định cư lớn và lâu đời nhất trên bán đảo Arap, cũng là địa điểm sản xuất gốm cổ xưa nhất trong khu vực Vịnh Ba Tư.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy các mảnh thực vật nhỏ được trộn vào đất sét khi chế tạo gốm. Các phân tích ban đầu cho thấy dấu vết của các loài thực vật hoang dã, đặc biệt là cây lau sậy, trong gốm địa phương, cùng với tàn dư của lúa mạch và lúa mì trong gốm Ubaid nhập khẩu.

Tiến sĩ Roman Hovsepyan, một nhà nghiên cứu thực vật cổ đại, cho biết các phân tích sắp tới sẽ giúp làm sáng tỏ hệ thực vật địa phương trong thời kỳ này.

Phái đoàn khảo cổ Kuwait-Ba Lan cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu tại Bahra 1 nhằm tìm thêm những phát hiện mới, làm rõ mối giao thoa văn hóa giữa xã hội thời kỳ đồ đá mới ở bán đảo Arap và văn hóa Ubaid từ Lưỡng Hà.

"Những cuộc khai quật đang diễn ra cho thấy Bahra 1 là một địa điểm quan trọng để hiểu về các trao đổi văn hóa giữa các cộng đồng thời kỳ đồ đá mới ở Arap và văn hóa Ubaid, vốn lan rộng từ Lưỡng Hà đến một khu vực bao quát từ Anatolia đến bán đảo Arap", thông cáo kết luận.

Những khám phá gần đây tại Bahra 1 không chỉ bổ sung thông tin mới vào bức tranh văn hóa cổ đại mà còn làm sáng tỏ mối liên hệ giữa các nền văn minh, mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng hơn giữa các chuyên gia khảo cổ của Kuwait và Ba Lan.

Chú thích ảnh
Một đồ gốm Ubaid, được tìm thấy tại khu định cư Eridu, có niên đại từ thiên niên kỷ thứ 6 hoặc thứ 5 Trước Công nguyên. Ảnh: Getty Images
Phúc Hưng/Báo Tin tức (Theo Foxnews)
Phát hiện khảo cổ tại Syria có thể thay đổi lịch sử hình thành bảng chữ cái
Phát hiện khảo cổ tại Syria có thể thay đổi lịch sử hình thành bảng chữ cái

Một nhóm nhà khảo cổ học của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) mới đây đã đưa ra tuyên bố gây chấn động rằng các ký hiệu khắc trên những con dấu đất sét 4.400 năm tuổi có thể là minh chứng sớm nhất về hệ thống chữ viết theo bảng chữ cái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN