Theo đài RT, hàng nghìn người biểu tình, một số đeo mặt nạ phòng độc và đội mũ bảo hiểm, đã bao vây Tòa nhà Quốc hội ở Thủ đô Tbilisi vào tối 8/3 (giờ địa phương), phản đối một đạo luật hạn chế các tổ chức phi chính phủ do nước ngoài tài trợ. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay, vòi rồng và đèn flash để giải tán họ.
Nối tiếp các cuộc đụng độ vào ngày 7/3, người biểu tình đã sử dụng bom xăng và pháo phụt để chống lại cảnh sát, gây ra phản ứng mạnh mẽ. Theo truyền thông địa phương, các nhà chức trách đang cố gắng giải tỏa tòa nhà quốc hội và đẩy lùi những người biểu tình.
Các video phát live-stream về cuộc biểu tình cho thấy những người biểu tình đã tìm cách phá được cổng và xông vào tòa nhà quốc hội. Một số cửa sổ trên tòa nhà bị đập vỡ. Tại một thời điểm, có tiếng súng đã vang lên.
Các cuộc biểu tình bắt đầu sau khi đa số nghị viện bỏ phiếu ủng hộ dự luật yêu cầu bất kỳ tổ chức trong nước nào nhận được hơn 20% tiền tài trợ từ nước ngoài phải đăng ký làm đại diện nước ngoài. Các chính trị gia đối lập cáo buộc đề xuất này sao chép luật của Nga và cho rằng điều này sẽ gây nguy hiểm cho nền dân chủ Gruzia và sự hội nhập châu Âu-Đại Tây Dương.
Cảnh sát đã giải tán được cuộc bạo loạn bên ngoài tòa nhà quốc hội vào tối 7/3, bắt giữ hơn 60 người vì hành vi gây mất trật tự. Vào ngày 8/3, phe đối lập đã đưa ra tối hậu thư yêu cầu cảnh sát thả người và quốc hội rút lại luật đại diện nước ngoài.
Theo tờ Guardian, đạo luật nói trên, được đảng Giấc mơ Gruzia cầm quyền ủng hộ, yêu cầu bất kỳ tổ chức nào nhận được hơn 20% tiền tài trợ từ nước ngoài phải đăng ký làm “đại diện nước ngoài” nếu không sẽ bị phạt nặng. Những người chỉ trích cho rằng dự luật này học theo một đạo luật năm 2012 ở Nga mà kể từ đó bị cho là nhằm vào các tổ chức phi chính phủ và phương tiện truyền thông do phương Tây tài trợ.
EU hiện đang xem xét đơn xin tư cách ứng cử viên của Gruzia và một số quan chức cấp cao của EU đã lên án dự luật được đề xuất. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel, cho biết trong một bài đăng Twitter vào ngày 8/3: “Việc thông qua luật ‘ảnh hưởng nước ngoài’ này không tương thích với con đường của EU, điều mà đa số người Gruzia mong muốn".
Thủ lĩnh phe đối lập Nika Melia cho biết: “Ngày nào cũng sẽ như vậy. Cho dù họ có giải tán chúng ta bao nhiêu lần, cho dù họ sử dụng bao nhiêu hơi cay, chúng ta sẽ tập hợp lại và ngày càng có nhiều người tham gia hơn.”
Giorgi Vashadze, thủ lĩnh một đảng có ba ghế trong quốc hội gồm 150 thành viên, đã kêu gọi những người biểu tình bao vây Quốc hội “một cách hòa bình và bất bạo động”.
Theo các cuộc thăm dò mới nhất, 85% người Gruzia ủng hộ tư cách thành viên EU.
Tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price bày tỏ sự đoàn kết với những người biểu tình. “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Gruzia tôn trọng quyền tự do hội họp ôn hòa và biểu tình ôn hòa", ông Price nói. “Chúng tôi sát cánh với người dân Gruzia và những nguyện vọng của họ.”
Đại sứ quán Mỹ ở Tbilisi cũng lên án việc thông qua luật trên là “ngày đen tối đối với nền dân chủ” ở Gruzia. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chính phủ Gruzia về việc đàn áp cuộc biểu tình.
Nữ Tổng thống Gruzia, Salome Zurabishvili đã ghi lại một bài phát biểu qua video từ New York vào tối 7/3, đồng thời lên án dự luật và tuyên bố sẽ phủ quyết nó.