Dẫn lời hai quan chức Mỹ giấu tên, hãng Bloomberg đưa tin nếu Nga tập trung lực lượng để phản công vào tháng tới, quân đội Ukraine có thể phải rút lui khỏi tỉnh Kursk vào mùa xuân.
Một trong những quan chức giải thích rằng, mục tiêu của Kiev khi tấn công Kursk không phải là chiếm giữ lâu dài, mà là nhằm gây sốc và làm suy giảm sức mạnh của quân đội Nga. Do đó, ngay cả khi phải rút lui, chiến dịch này vẫn được xem là một thành công. Trong khi đó, hai quan chức khác hy vọng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ sớm ra lệnh rút quân khỏi Nga để tránh thương vong lớn.
Hồi tháng 11, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao của Ukraine đưa tin Kiev dường như còn kiểm soát 60% lãnh thổ của Nga ở Kursk mà họ giành được hơn 3 tháng trước trong cuộc đột kích xuyên biên giới. Nguồn tin thuộc Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết Nga đã triển khai khoảng 59.000 quân đến khu vực Kursk kể từ khi lực lượng Kiev tiến hành chiến dịch tấn công.
Mặc dù vậy, một quan chức Mỹ cho rằng Ukraine đã giữ được Kursk lâu hơn dự kiến nhờ việc Tổng thống Joe Biden cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga. Quan chức này cũng nhấn mạnh rằng mục tiêu chính của Ukraine không phải là giữ Kursk trong thời gian dài, mà là tạo ra cú sốc về khả năng tấn công xuyên biên giới.
Hồi tháng 9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Kiev muốn giữ được các vùng lãnh thổ đã chiếm được tại Kursk càng lâu càng tốt để gây áp lực buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải đồng ý đàm phán.
Ông Zelensky từng nhận định mục tiêu của nhà lãnh đạo Nga chính là đẩy lực lượng Ukraine ra khỏi khu vực Kursk trước ngày 20/1/2025. Ông nhấn mạnh: “Tất cả những cuộc tấn công bằng tên lửa mới không phải chỉ để trình diễn. Tổng thống Nga đã đặt ra mục tiêu này”.
Các quan chức Ukraine cũng bày tỏ hy vọng rằng việc chiếm giữ Kursk sẽ trở thành “quân bài mặc cả” quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa bình, đặc biệt sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức.
Về phía Nga, Tổng thống Putin hồi tháng 6 cho biết nước này sẵn sàng ngừng bắn và đàm phán ngay lập tức nếu Ukraine rút quân khỏi các khu vực mà Nga tuyên bố kiểm soát và từ bỏ ý định gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, sau khi Ukraine tấn công khu vực Kursk vào tháng 8, ông Putin tuyên bố rằng khả năng đàm phán với Kiev đã không còn. Dù vậy, trợ lý Tổng thống Putin, ông Yuri Ushakov, nhấn mạnh đề xuất hòa bình của Moskva vẫn còn hiệu lực, nhưng Nga sẽ không tham gia đàm phán vào thời điểm hiện tại.