Chuyên gia nghiên cứu độc lập Rana Sarder bình luận trên trang moderndiplomacy.eu ngày 3/2 rằng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực vào ngày 01/1/2022, nhưng cũng là thời điểm bắt đầu nổ ra các cuộc tranh luận chính trị mới. Thỏa thuận này có thực sự làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương không? Trên thực tế, theo một số chuyên gia, Trung Quốc đã tạo ra một khối có thể đối trọng với Mỹ thông qua thỏa thuận này.
RCEP là hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới liên quan đến 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và năm đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. RCEP chiếm 30% dân số toàn cầu, 30% GDP toàn cầu và 28% thương mại thế giới. Đây cũng là hiệp ước thương mại đa phương đầu tiên của Trung Quốc, cũng như hiệp ước đầu tiên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc mà không có sự tham gia của Mỹ và Ấn Độ.
Hiệp định tập trung vào việc xóa bỏ các rào cản phi thuế quan đối với thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia thành viên, tập trung vào các ngành dịch vụ, thương mại điện tử và sự di chuyển của người dân. Thành phần quan trọng nhất của hiệp định là quy tắc xuất xứ thống nhất. Để được giảm thuế, các nước thành viên phải sản xuất ít nhất 40% sản phẩm của mình tại một trong 15 nước.
Theo chuyên gia Sarder, Trung Quốc đã giành được thắng lợi lớn về địa chính trị với RCEP khi thỏa thuận này cải thiện kết nối kinh tế của châu Á gần với quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc do hội nhập chặt chẽ hơn. Bắc Kinh sẽ sử dụng sức mạnh kinh tế của mình với tư cách là nền kinh tế lớn nhất trong khu vực để gây ảnh hưởng đối với các quy tắc và tiêu chuẩn của khối, tương tự như Trung Quốc thực hiện ở các quốc gia đã ký kết tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Cựu Trung tướng quân đội Ấn Độ Utpal Bhattacharya nhận xét: "Thỏa thuận này mang tính chính trị hơn là kinh tế", lưu ý rằng hiện không có mục tiêu thực hiện các vấn đề được đề cập trong thỏa thuận ngay bây giờ, vì vậy thỏa thuận là một nỗ lực để truyền tải một thông điệp chính trị.
Thời điểm ký kết hiệp định RCEP cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thế giới hiện đang rối loạn vì đại dịch COVID-19. Điều đáng lưu ý là Mỹ đã không dẫn đầu thế giới trong việc vượt qua đại dịch và phục hồi kinh tế. Ở trong nước, Mỹ đã trải qua cuộc khủng hoảng chính trị kể từ khi Donald Trump không chịu nhận thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Trung Quốc đã tìm cách tận dụng cơ hội trên. Với các hiệp định kinh tế và thương mại, RCEP đã chứng minh châu Á-Thái Bình Dương và các đồng minh của Mỹ là Australia, Nhật Bản và New Zealand vẫn cần hợp tác với Trung Quốc. Ngoài ra, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan có tham dự lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2022, bất chấp việc Mỹ kêu gọi tẩy chay. Trên thực tế, các quốc gia trên đã ký RCEP vì lợi ích thương mại của riêng họ. Nói cách khác, Trung Quốc cho thấy họ đã thiết lập được một khối để đối trọng với những liên minh mà Mỹ đã nỗ lực xây dựng bấy lâu nay ở châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, RCEP được coi là một cách để tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vì Mỹ đang thiếu một hiệp định thương mại tương tự trong khu vực. Điều này cũng sẽ cho phép Trung Quốc trở nên có ảnh hưởng hơn tại 14 quốc gia RCEP thông qua việc tích hợp các chuỗi giá trị của mình.
Chuyên gia Sarder cho rằng, khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố định hướng lại chiến lược, mang tên “Chính sách Hành động Hướng Đông” vào tháng 11/2014, các nhà lãnh đạo khu vực cho rằng Ấn Độ sẽ trở thành một quốc gia có vai trò chiến lược hơn ở châu Á. Tuy nhiên, việc Ấn Độ rút khỏi RCEP vào cuối năm 2019 đã gây thất vọng nghiêm trọng đối với tham vọng ngoại giao của nước này. Nó cho thấy New Delhi vẫn không thể khởi động chương trình nghị sự kinh tế khu vực của mình. Sự rút lui của Ấn Độ, giống như Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), không chỉ làm thất vọng các nước như Nhật Bản và Australia, mà còn cho thế giới thấy được chủ nghĩa bảo hộ của họ, tạo ra một hình ảnh không đáng tin cậy trong mắt các thành viên ASEAN.
Tóm lại, với RCEP, các nước thành viên sẽ duy trì mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc, đây là một lợi ích địa chính trị quan trọng đối với Bắc Kinh. Nhận xét gần đây của Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Lee Soo-Hyuk cũng cho thấy điều này: “Việc Hàn Quốc chọn đứng về phía Mỹ cách đây 70 năm không có nghĩa là nước này phải chọn Mỹ 70 năm tiếp theo nữa”.