Sân bay quốc tế Damascus đã chính thức nối lại các chuyến bay quốc tế sau hơn 13 năm gián đoạn, với chuyến bay đầu tiên khởi hành tới thành phố Sharjah (Các tiểu vương quốc Arập thống nhất - UAE) và đón chuyến bay từ Doha (Qatar) hạ cánh tại sân bay này.
Ông Ashhad Slaibi - người đứng đầu cơ quan hàng không dân dụng Syria, cho biết: “Việc tái kích hoạt sân bay Damascus sẽ giúp giảm chi phí di chuyển cho người dân và tạo thuận lợi cho việc kết nối quốc tế. Trong tương lai gần, chúng tôi hy vọng sẽ khôi phục hoạt động tại Sân bay Aleppo”.
Hai tàu phát điện từ Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar cũng đang trên đường đến Syria, cung cấp thêm 800 megawatt, tương đương 50% sản lượng điện hiện tại.
Ông Khaled Abu Dei - Tổng Giám đốc Tổ chức Truyền tải và Phân phối Điện lực Syria - cho biết các đường dây truyền tải điện đang được khẩn trương sửa chữa để tiếp nhận nguồn năng lượng bổ sung này. Hệ thống điện quốc gia, bị hư hại nghiêm trọng do xung đột, đang từng bước được khôi phục để đáp ứng nhu cầu của người dân và thúc đẩy sản xuất.
Tại nhà máy lọc dầu Baniyas, các kỹ sư đang tận dụng thời gian gián đoạn nguồn cung dầu thô để bảo trì thiết bị. Lô dầu thô mới được kỳ vọng sẽ sớm đến, giúp nhà máy khởi động lại và đáp ứng nhu cầu nhiên liệu trong nước.
Trong khi đó, hệ thống y tế Syria vẫn đối mặt với thách thức nghiêm trọng. Ông Hazem Baqleh - người đứng đầu Hội Chữ thập Đỏ Arập Syria - cảnh báo về tình trạng thiếu hụt thuốc men và các bệnh viện bị hư hại nghiêm trọng. Việc khôi phục các dịch vụ y tế đang được đặt lên hàng đầu trong chương trình tái thiết đất nước.
Trong lĩnh vực an ninh, lực lượng chức năng đã triển khai chiến dịch truy quét tại Zabadani, phía Tây thủ đô Damascus, nhằm xử lý kho vũ khí còn sót lại và đảm bảo an toàn cho khu vực. Những hoạt động tương tự cũng đang diễn ra tại tỉnh Homs, một trong những điểm nóng của xung đột.
Mặc dù đã có nhiều bước tiến trong nỗ lực tái thiết, nhưng Syria vẫn đối mặt những thách thức lớn. Theo Văn phòng Điều phối nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA), 15 triệu người dân Syria đang thiếu lương thực, trong khi sản lượng lúa mì và lúa mạch có nguy cơ giảm mạnh nếu không nhận được hỗ trợ kịp thời.
Hệ thống hạ tầng nông nghiệp, từ nguồn giống, phân bón đến thức ăn chăn nuôi, đang cần được phục hồi khẩn cấp. Lượng mưa thấp hơn mức trung bình cũng khiến tình hình trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi sự phối hợp giữa chính quyền và các tổ chức quốc tế.