Bảo vệ di sản
Theo kênh Al Jazeera, bài phát biểu ngày 13/1 được trình bày tại Bộ Ngoại giao Mỹ là lời kết thúc nhiệm kỳ bốn năm của ông Biden tại Nhà Trắng. Ông đã cam kết khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế, theo đuổi chính sách đối ngoại lấy nhân quyền làm trọng tâm và củng cố các liên minh.
Ông Biden nói trong bài phát biểu: “Chúng ta đang ở một thời điểm bước ngoặt. Thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã kết thúc. Một kỷ nguyên mới đã bắt đầu. Trong bốn năm qua, chúng ta đã đối mặt với những khủng hoảng và đã bị thử thách. Theo quan điểm của tôi, chúng ta đã vượt qua những thử thách đó mạnh mẽ hơn so với khi chúng ta bắt đầu”.
Tuy nhiên, những người chỉ trích lại đánh giá thấp chính quyền của ông trong một số lĩnh vực, đặc biệt liên quan đến sự ủng hộ của Mỹ đối với cuộc chiến của Israel ở Gaza.
Dù vậy, Tổng thống sắp mãn nhiệm vẫn muốn nhấn mạnh thông điệp chính: rằng Mỹ hiện mạnh hơn, còn đối thủ yếu hơn so với khi ông nhậm chức.
Ông Biden nói: “Những thách thức mới sẽ xuất hiện trong những năm và tháng tới, nhưng rõ ràng chính quyền của tôi đang để lại cho chính quyền tiếp theo một nền tảng rất vững mạnh. Chúng tôi đang để lại một nước Mỹ có nhiều bạn bè hơn và liên minh mạnh mẽ hơn, các đối thủ yếu hơn và đang chịu áp lực. Một nước Mỹ một lần nữa dẫn đầu, đoàn kết các quốc gia, thiết lập chương trình nghị sự và tập hợp những người khác xung quanh các kế hoạch và tầm nhìn của chúng ta”.
Ông Biden phát biểu chỉ 7 ngày trước lễ nhậm chức của ông Trump vào ngày 20/1.
Ông Trump đã lên án chính sách đối ngoại của ông Biden trong chiến dịch tranh cử, cáo buộc đảng Dân chủ làm suy yếu vị thế của Mỹ ở nước ngoài trong khi để các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông kéo dài.
Trái lại, ông Biden đã đưa ra một bức tranh khác trong bài phát biểu này. Ông lập luận rằng vai trò lãnh đạo của mình đã củng cố vị thế công nghệ, kinh tế và chiến lược của Mỹ trước Trung Quốc.
Ông Biden cũng ca ngợi vai trò của chính quyền mình trong tập hợp ủng hộ của NATO dành cho Ukraine - nước đã đối mặt với cuộc chiến với Nga kể từ tháng 2/2022.
Ông cũng bảo vệ cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan vào năm 2021, theo đó thực hiện thỏa thuận với Taliban mà ông Trump đã ký. Cuộc rút quân này đã kết thúc hai thập kỷ hiện diện của Mỹ tại quốc gia này. Ông Biden nói: “Khi tôi nhậm chức, tôi có một lựa chọn. Cuối cùng, tôi thấy không có lý do gì để giữ hàng nghìn binh sĩ ở Afghanistan. Bằng cách chấm dứt chiến tranh, chúng ta đã có thể tập trung năng lượng và nguồn lực vào những thách thức cấp bách hơn”.
Ông nói thêm rằng ông là tổng thống đầu tiên trong nhiều thập kỷ không để lại cuộc chiến ở Afghanistan cho người kế nhiệm.
Cuộc chiến ở Gaza
Cuộc chiến của Israel ở Gaza có lẽ là điểm nhấn lớn nhất trong bài phát biểu của ông Biden.
Nhiều người đã chỉ trích Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự cho Israel. Theo ước tính, ít nhất 46.584 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào tháng 10/2023. Các chuyên gia Liên hợp quốc chỉ trích hành động của Israel tại vùng đất Palestine.
Mỹ đã cung cấp cho Israel viện trợ quân sự kỷ lục gần 17,9 tỷ USD trong năm đầu tiên của cuộc chiến.
Các chuyên gia suy đoán rằng sự ủng hộ không lay chuyển của ông Biden dành cho Israel sẽ ảnh hưởng đến di sản của ông.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu ngày 13/1, Tổng thống Mỹ tập trung vào kế hoạch ngừng bắn ở Gaza mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua vào tháng 6, một kế hoạch do chính quyền ông dẫn dắt.
Một thỏa thuận cuối cùng giữa Israel và nhóm Hamas vẫn chưa đạt được. Dù vậy, ông Biden nói về những nỗ lực ngoại giao gần đây với hy vọng. Ông nói: “Chúng ta đang đứng trước một đề xuất mà tôi đã đưa ra cách đây vài tháng và cuối cùng cũng sắp thành hiện thực”.
Ông cho biết gần đây đã nói chuyện với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, sau đó sẽ sớm trao đổi với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, một nhà trung gian khác.
Ông Biden nói: “Tôi đã học được sau nhiều năm phục vụ công chúng rằng không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ bỏ cuộc. Rất nhiều người vô tội đã bị giết, rất nhiều cộng đồng đã bị phá hủy. Người dân Palestine xứng đáng có hòa bình”.
Thông điệp cho chính quyền mới
Khi bước vào Nhà Trắng vào năm 2021, ông Biden cam kết là điểm đối trọng với chính sách đối ngoại mang tính cô lập và khó lường trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Khi rời Nhà Trắng năm 2025, ông kêu gọi chính quyền Trump thứ hai tránh quay trở lại các chính sách trước đây.
Ông Biden đã nhấn mạnh những nỗ lực của mình trong chống biến đổi khí hậu, bao gồm tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris, một hiệp ước quốc tế nhằm hạn chế phát thải carbon.
Ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này vào năm 2020. Khi nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sắp bắt đầu, chính quyền sắp tới có thể sẽ rút khỏi thỏa thuận này một lần nữa, như một phần trong cam kết rộng hơn về bãi bỏ quy định trong lĩnh vực năng lượng của Mỹ.
Trong bài phát biểu, ông Biden đã chỉ trích kế hoạch này. Ông nói: “Tôi biết một số người trong chính quyền sắp tới nghi ngờ về tính cần thiết của năng lượng sạch. Họ thậm chí không tin rằng biến đổi khí hậu là có thật. Tôi nghĩ họ đến từ một thế kỷ khác. Họ đã sai. Họ hoàn toàn sai. Đây là mối đe dọa tồn vong lớn nhất đối với nhân loại”.
Ông Biden nói: “So với bốn năm trước, nước Mỹ hiện mạnh mẽ hơn. Các liên minh của chúng ta mạnh mẽ hơn. Các đối thủ và đối thủ cạnh tranh của chúng ta yếu hơn. Chúng ta đã không phải tiến hành chiến tranh để đạt được những điều này. Chúng ta đã gia tăng sức mạnh ngoại giao, tạo ra nhiều đồng minh hơn bao giờ hết trong lịch sử của đất nước”.
Những nhận xét của ông đã đối lập với những tuyên bố gần đây từ ông Trump. Trong khi ông Biden nhấn mạnh các quan hệ đối tác được củng cố trên toàn châu Mỹ, thì ông Trump đã cam kết áp đặt các mức thuế lớn đối với hàng hóa Canada và Mexico. Ông cũng kêu gọi giành quyền kiểm soát Kênh đào Panama từ Panama.
Trong bài phát biểu, ông Biden ca ngợi các liên minh được khôi phục ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm các đồng minh khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Ông đã sử dụng bài phát biểu của mình để nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh NATO, bất chấp việc ông Trump nhiều lần đề xuất khả năng rút khỏi liên minh này. Ông Biden nói: “Mỹ nên tận dụng tối đa các cơ hội ngoại giao và địa chính trị mà chúng ta đã tạo ra”.
Ông cho rằng chính quyền Mỹ sắp tới nên tiếp tục tập hợp các quốc gia lại để đối phó với những thách thức từ các đối thủ lớn và cuối cùng, tận dụng thời điểm mới để xây dựng một Trung Đông ổn định và hội nhập hơn.