Trung Quốc và các nước Arab phản ứng về vấn đề vũ khí hạt nhân liên quan đến Israel

Trung Quốc, Iran và các nước Arab đã phản ứng với tuyên bố của Bộ trưởng Israel về việc thả bom hạt nhân xuống Gaza.

Chú thích ảnh
Một cuộc họp tại LHQ về xung đột Israel-Hamas. Ảnh: TTXVN

Theo hãng tin AP ngày 14/11, Trung Quốc, Iran và nhiều quốc gia Arab đã lên án tuyên bố của Bộ trưởng Israel rằng thả bom hạt nhân trên Dải Gaza là một lựa chọn trong cuộc chiến với Hamas, gọi đó là mối đe dọa đối với thế giới.

Tại lễ khai mạc hội nghị Liên hợp quốc (LHQ) đã được lên kế hoạch từ lâu với mục tiêu là thiết lập một khu vực phi hạt nhân ở Trung Đông, nhiều đại sứ đã chỉ trích những bình luận của Bộ trưởng Di sản Israel Amihai Eliyahu, người trước đó đã đưa ra nhận xét “ẩn dụ” về vũ khí hạt nhân của mình trong một cuộc phỏng vấn. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngay lập tức bác bỏ những bình luận này và đình chỉ ông tham gia các cuộc họp Nội các.

Israel không xác nhận cũng không phủ nhận khả năng hạt nhân của mình. Nhiều người tin rằng nước này có sở hữu vũ khí hạt nhân và một cựu nhân viên tại lò phản ứng hạt nhân của Israel đã phải ngồi tù 18 năm vì đã tiết lộ thông tin chi tiết và hình ảnh về chương trình vũ khí hạt nhân của Israel cho một tờ báo Anh vào năm 1986.

Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Geng Shuang cho biết Bắc Kinh “bị sốc” và gọi những tuyên bố này là “cực kỳ vô trách nhiệm và đáng lo ngại” và cần phải bị lên án toàn cầu.

Ông kêu gọi các quan chức Israel rút lại tuyên bố và trở thành một bên tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, được coi là nền tảng của giải trừ vũ khí hạt nhân, với tư cách là một quốc gia phi vũ khí hạt nhân “càng sớm càng tốt”.

Ông Geng nêu rõ Trung Quốc sẵn sàng cùng các nước khác "tạo động lực mới" để thiết lập một khu vực không có vũ khí hạt nhân ở Trung Đông, đồng thời cho biết tình hình ở khu vực hiện tại càng cấp bách hơn.

Người đứng đầu cơ quan giải trừ vũ khí của LHQ Izumi Nakamitsu, người cũng phát biểu khai mạc hội nghị lần trên, đã không đề cập đến Israel, nhưng lưu ý: “Bất kỳ lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nào đều không được chấp nhận”.

Bà Nakamitsu nhắc lại “sự cấp bách của một khu vực Trung Đông không có vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác”, nhấn mạnh rằng “những cái đầu lạnh và nỗ lực ngoại giao” phải chiếm ưu thế để đạt được hòa bình giữa Israel và Palestine, dựa trên cơ sở giải pháp hai nhà nước.

Đại sứ Oman tại LHQ Mohamed Al-Hassan, thay mặt Hội đồng hợp tác vùng Vịnh gồm 6 quốc gia, trong đó có Saudi Arabia, cho biết mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Gaza “tái khẳng định sự cực đoan đối với người dân Palestine”. Ông kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ và Cơ quan Nguyên tử Quốc tế (IAEA) có hành động quyết liệt về vấn đề này.

Đại biện lâm thời của Liban Hadi Hachem cũng lên án bình luận của Bộ trưởng Di sản Israel, nhấn mạnh rằng “việc tự thừa nhận có vũ khí hạt nhân và lời đe dọa sử dụng chúng của các quan chức nước này, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh khu vực cũng như quốc tế”. Ông kêu gọi Israel tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân với tư cách là một quốc gia phi hạt nhân có vũ khí.

Về phần mình, Đại sứ Iran tại LHQ Amir Iravani phát biểu tại hội nghị rằng các mối đe dọa hạt nhân do các quan chức cấp cao Israel nhắm tới người Palestine đã nêu bật “niềm tự hào” của Israel khi có những vũ khí này trong tay. Ông nói: “Bí mật xung quanh khả năng hạt nhân của Israel gây ra mối đe dọa đáng kể cho sự ổn định trong khu vực. Trong những thời điểm quan trọng này, yêu cầu thiết lập một khu vực phi hạt nhân ở Trung Đông chưa bao giờ cấp bách hơn thế”.

Những nỗ lực nhằm tạo ra một khu vực Trung Đông không có vũ khí hạt nhân có từ những năm 1960 và bao gồm lời kêu gọi của các bên tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1995 và nghị quyết của Đại hội đồng LHQ năm 1998 yêu cầu các nước góp phần thiết lập hiệp ước này. Hội nghị đầu tiên của LHQ nhằm tạo ra một khu vực Trung Đông phi hạt nhân được tổ chức vào tháng 11/2019.

Đại sứ Nga tại IAEA và các tổ chức khác của LHQ có trụ sở tại Vienna, Mikhail Ulyanov, nói với các đại biểu hôm 13/11 rằng trong bối cảnh bạo lực leo thang mới ở Trung Đông, một khu vực không có vũ khí hạt nhân “là cấp bách hợp hơn bao giờ hết”.

Công Thuận/Báo Tin tức
Nga xây dựng nhiều lò phản ứng hạt nhân nhất thế giới
Nga xây dựng nhiều lò phản ứng hạt nhân nhất thế giới

Theo dữ liệu từ hệ thống thông tin lò phản ứng điện của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Nga đang xây dựng nhiều lò phản ứng hạt nhân hơn bất kỳ quốc gia nào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN