Tư lệnh Lục quân Ukraine, Tướng Mykhailo Drapatyi, ngày 6/1 thừa nhận về những thách thức đáng kể trong Lữ đoàn Cơ giới 155, biệt danh "Anne of Kyiv", do Pháp huấn luyện, bao gồm tỷ lệ đào ngũ cao và tổ chức kém.
"Tất nhiên, đây là một bài học tiêu cực, một trải nghiệm tiêu cực, nhưng nó nên được chuyển thành một số loại hành động phòng ngừa", ông Drapatyi phát biểu trong cuộc họp báo ngày 6/1.
Nhận xét của vị tướng này được đưa ra sau một cuộc điều tra của giới truyền thông cho rằng binh lính của đơn vị trên, hiện đang được triển khai gần Pokrovsk, đã phải chịu tổn thất và bỏ trốn với số lượng lớn do sự chỉ huy và tổ chức kém trong giới lãnh đạo quân đội Ukraine.
Lữ đoàn 155, được thành lập với sự hỗ trợ từ các đối tác phương Tây của Ukraine, được dự định là một lữ đoàn chủ lực nhằm huấn luyện các đơn vị quân đội mới được trang bị vũ khí hạng nặng.
Tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tháng 6 năm ngoái rằng Pháp sẽ cung cấp đào tạo và vật tư quân sự là một phần của sáng kiến này.
Lữ đoàn dự kiến sẽ bao gồm khoảng 5.800 quân, trong đó gần 2.000 người đã được đào tạo tại Pháp. Mặc dù Paris đã thực hiện các cam kết về đào tạo và cung cấp vũ khí, một cuộc điều tra dẫn đầu bởi Yurii Butusov, tổng biên tập của hãng truyền thông Ukraine Censor.net, đã chỉ ra nhiều vấn đề trong việc thành lập và quản lý lữ đoàn - được cho là đã dẫn đến 1.700 trường hợp binh lính bỏ trốn khỏi đơn vị trước khi tham chiến.
Theo ông Butusov, việc không cung cấp các thiết bị quan trọng, chẳng hạn như thiết bay không người lái và các công cụ tác chiến điện tử, đã cản trở khả năng sẵn sàng chiến đấu của Lữ đoàn 155 khi lữ đoàn được triển khai vào tháng 11.
Giới chức Ukraine đã tiến hành điều tra lữ đoàn do Pháp đào tạo sau các báo cáo về tình trạng đào ngũ, quản lý yếu kém.
"Có nhiều vấn đề, có những vấn đề về biên chế, đào tạo và một phần là về đội ngũ chỉ huy", Tướng Drapatyi cho biết. "Tất cả những điều này đều được phân tích một cách nghiêm túc và một số kết luận nhất định đã được đưa ra".
Vị tướng Tư lệnh Lục quân Ukraine nói thêm rằng những bài học rút ra từ những khó khăn này đang được sử dụng để cải thiện lữ đoàn và tránh những vấn đề tương tự trong tương lai.
Ông Drapatyi thừa nhận những thách thức này chỉ ra rằng tình trạng đào ngũ thường xuất phát từ nỗi sợ hãi và thiếu kinh nghiệm chiến đấu.
"Có nhiều biểu hiện của việc bỏ đơn vị quân đội trái phép, nhưng cũng có những lý do cho điều này", ông Drapatyi nói, "Có nỗi sợ hãi bản năng con người và đôi khi là sự thiếu kinh nghiệm thực tế trong các hoạt động chiến đấu".
Trong số 1.924 binh lính Ukraine được cử đến Pháp, chỉ có 51 người có kinh nghiệm phục vụ trong quân đội được hơn một năm, trong khi 1.414 người chỉ mới phục vụ chưa đầy 2 tháng - theo cuộc điều tra của Censor.net.
Vị chỉ huy Lục quân nhấn mạnh rằng quân đội Ukraine đang tích cực giải quyết các vấn đề của Lữ đoàn 155. "Tôi xác nhận rằng có những vấn đề rắc rối với đội ngũ chỉ huy và quá trình đào tạo, và tất cả hiện đang được giải quyết", ông nhấn mạnh.
Bất chấp những thách thức như vậy, Tướng Drapatyi vẫn lạc quan về tương lai của Lữ đoàn. "Lữ đoàn đang phát triển, chiến đấu, gây ra tổn thất cho kẻ thù", ông nói.
Báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi cải cách trong giới lãnh đạo quân đội Ukraine khi Kiev phải vật lộn với áp lực ngày càng tăng trong cuộc chiến với Nga.