Phát biểu khi trên đường tham dự một cuộc họp Bộ trưởng Y tế các nước Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ), ông Lauterbach nói rõ việc tiêm vaccine phòng biến thể Omicron nhiều khả năng sẽ được triển khai vào tháng 9 tới. Bên cạnh đó, ông cho biết sẽ hối thúc EU cân nhắc việc tiêm mũi thứ 4 cho người trên 60 tuổi nhằm nâng cao miễn dịch cộng đồng trong bối cảnh chưa sẵn có vaccine đặc hiệu phòng biến thể Omicron. Theo ông Lauterbach, những dữ liệu tiêm chủng của Israel cho thấy việc tiêm mũi thứ 4 là khẩn cấp nhằm giảm nguy cơ tử vong.
Hiện các nước EU sử dụng chủ yếu vaccine phòng COVID-19 theo công nghệ mRNA, trong đó có vaccine do hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) hợp tác sản xuất. Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla từng nhận định hãng này sẽ tung ra thị trường vaccine phòng biến thể Omicron trong tháng 1, song sau đó nhà sáng lập BioNTech Ugur Sahin cho biết phải đến tháng 4 hoặc tháng 5 mới có loại vaccine này.
Việc triển khai tiêm phòng COVID-19 đại trà đã giúp giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong tại các nước EU. Tuy nhiên, thời gian qua, số ca mắc mới tại những quốc gia này lại gia tăng trở lại do sự lây lan của biến thể Omicron. Đáng lo ngại hơn là sự xuất hiện của dòng phụ BA.2, hay còn gọi là Omicron "tàng hình" có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc.
Bên cạnh Pfizer/BioNTech, hãng Moderna hồi cuối tháng 1 vừa qua thông báo đã triển khai thử nghiệm lâm sàng vaccine đặc trị biến thể Omicron. Tuy kết quả chưa được công bố, những nghiên cứu ban đầu trên động vật cho thấy vaccine phòng biến thể Omicron không vượt trội hơn so với mũi tăng cường các loại vaccine hiện tại.
Một nghiên cứu mới đây cho rằng mũi tăng cường vaccine hiện tại và vaccine đặc trị biến thể Omicron đều giúp cải thiện kháng thể, song vaccine chuyên phòng Omicron không ghi nhận vượt trội rõ ràng.