WEF kêu gọi thế giới tăng cường hợp tác để ứng phó với các thách thức

Xung đột vũ trang và chiến tranh là những mối đe dọa tiềm tàng lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm 2025.

Đây là kết quả cuộc khảo sát về độ rủi ro toàn cầu, công bố ngày 15/1, trước thềm hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ) ngày 20/1 tới. Rủi ro toàn cầu, khái niệm được định nghĩa là “tình trạng tác động tiêu cực đến một tỷ lệ đáng kể Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), dân số hoặc tài nguyên thiên nhiên toàn cầu”.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, 52% trong số hơn 900 chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và giới chức lãnh đạo các ngành công nghiệp lớn, được hỏi dự đoán triển vọng toàn cầu bất ổn trong 2 năm tới. 25% cho rằng xung đột, trong đó bao gồm cả mối đe dọa chiến tranh và khủng bố là rủi ro trước mắt hàng đầu, phản ánh căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Giám đốc điều hành WEF Mirek Dusek đã mô tả “cảm giác không chắc chắn về tương lai”. Ông cho biết: “Chúng ta đang sống trong một môi trường địa chính trị rất phức tạp. Thật không may là chúng ta đang chứng kiến số cuộc xung đột cao chưa từng có trên toàn thế giới”. Nhiều người dự đoán triển vọng sẽ đầy sóng gió trong 2 năm tới và xung đột, biến đổi khí hậu đang là những mối lo ngại hàng đầu.

Trong khi đó, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành WEF Borge Brende cho biết mặc dù đã có báo cáo về các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas, nhưng xung đột Syria, tình hình nhân đạo trầm trọng ở Gaza và khả năng leo thang xung đột ở Trung Đông sẽ là những vấn đề trọng tâm tại hội nghị WEF.

Cùng với lo ngại liên quan đến việc thay đổi chính sách thương mại và mối đe dọa về thuế quan tiềm tàng sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng, thông tin sai sự thật cũng được xem là rủi ro lớn trong ngắn hạn do sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo.

Kết quả khảo sát năm nay khác so với kết quả năm ngoái, khi các chuyên gia chỉ dự báo thời tiết khắc nghiệt gây ra rủi ro nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế và biến đổi khí hậu là mối quan tâm lớn nhất trong dài hạn. Nhưng nhiệt độ toàn cầu lần đầu tiên đã vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong năm ngoái và thế giới đang tiến gần hơn bao giờ hết đến việc vi phạm các cam kết được đưa ra theo thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015.

Giám đốc điều hành WEF khuyến nghị: “Trong một thế giới đang chứng kiến sự chia rẽ ngày càng sâu sắc và rủi ro chồng chất, các nhà lãnh đạo toàn cầu phải đưa ra lựa chọn: thúc đẩy sự hợp tác và khả năng phục hồi, hoặc đối mặt với tình trạng bất ổn ngày càng trầm trọng”.

Phương Hoa (TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường thăm chính thức Ba Lan, Séc và tham dự Hội nghị WEF tại Thụy Sĩ
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường thăm chính thức Ba Lan, Séc và tham dự Hội nghị WEF tại Thụy Sĩ

Chiều 15/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội lên đường thăm chính thức thức Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc, tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN