Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh xếp vị trí nhất toàn đoàn với 7 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc và 5 Huy chương Đồng.
Tiếp đó, đoàn Hà Nội đứng thứ hai với 4 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc và 4 Huy chương Đồng. Đoàn Đồng Nai đứng thứ ba với 4 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Đồng.
Trong ngày hôm nay diễn ra 7 nội dung thi đấu môn Lặn gồm: Khí tài 800m nam, khí tài 800m nữ, chân vịt đôi 50m nam, chân vịt đôi 50m nữ, tiếp sức vòi hơi chân vịt 4 x 100m nam, tiếp sức vòi hơi chân vịt 4 x 100m nữ, vòi hơi chân vịt 1.500m nam.
Vòng chung kết diễn ra tối cùng ngày. Ban Tổ chức đã trao 7 bộ huy chương cho các vận động viên đạt thành tích xuất sắc nhất, trong đó có 2 kỷ lục quốc gia. Theo đó, vận động viên Nguyễn Thị Thảo (Nam Định) đạt thành tích 22.06 giây nội dung chân vịt đôi 50m nữ, phá kỷ lục quốc gia cũ là 22.27 giây của Phạm Như Quỳnh (Nam Định) năm 2014. Vận động viên Lê Quý Đôn (Quân đội) đạt thành tích 6 phút 07.39 giây nội dung khí tài 800m nam, phá kỷ lục quốc gia cũ là 6 phút 07.81 giây của chính mình năm 2020.
Ngoài ra, vận động viên Nguyễn Trọng Dũng (Nghệ An) đạt thành tích 12 phút 46.62 giây nội dung vòi hơi chân vịt 1.500m, phá kỷ lục đại hội cũ là 12 phút 52.99 giây của Lưu Nguyễn Đức Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) năm 2014.
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, phụ trách bộ môn Lặn, Tổng cục Thể dục Thể thao, mỗi kỳ đại hội thể thao toàn quốc là một lần các vận động viên lặn có cơ hội cọ sát, chứng tỏ về chuyên môn, để từ đó từng đơn vị đánh giá lại sự phát triển cũng như khả năng cần đầu tư. Ông cũng cho biết, môn Lặn có tính cạnh tranh, thi đấu hấp dẫn. Các nhà quản lý ở Tổng cục Thể dục Thể thao cùng Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam đang nỗ lực phát triển thêm phong trào tập luyện môn thể thao này, cũng như tạo điều kiện tối đa cho vận động viên được cơ hội dự giải quốc tế nếu có.