Thưa nhà báo Nguyễn Lưu, nhiều ý kiến cho rằng đội tuyển Việt Nam đã chạm ngưỡng (cả về chuyên môn lẫn tinh thần) để cần có những thay đổi. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào và đội tuyển Việt Nam cần làm gì cho chặng đường phía trước?
Chúng ta đã đi qua một kì AFF Cup không thành công, điều đó không có gì lạ trong thể thao, không phấn khởi nhưng không phải thảm họa. Tôi không nghĩ thế là chạm ngưỡng. Ngưỡng của đội tuyển Việt Nam là cái gì chứ? Tuy nhiên, phải nói thật với nhau rằng sự chưa hài lòng của người xem với đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup vừa rồi là có thật.
HLV Park Hang Seo có công lớn với bóng đá Việt Nam là thực tế, cần phải ghi nhận. Đó là một lối chơi hiện đại đã thấm vào máu của tập thể thầy và trò. Một tập thể được tổ chức tốt và bước đầu vận dụng yếu tố công nghệ và khoa học về thể thao. Đó là một đội quân xứng đáng với danh xưng “những chiến binh Sao Vàng” khiến mọi đối thủ đều phải nể phục và thực sự đã tạo ra một khoảng cách không chỉ với đối thủ mà với chính mình của quá khứ.
Nhưng bên cạnh đó lại có một thực tế nhãn tiền khác là lối chơi của đội tuyển Việt Nam có vẻ như khá đơn điệu và đã được đối thủ nhận ra ngay sau khi họ phải ngả mũ chào thua chúng ta trước đó. Đội tuyển Việt Nam thường xuất trận với một đội hình quá quen thuộc, đến nỗi người ta đã thuộc lòng tất cả và có thể đoán trước từng gương mặt sẽ ra sân. Lối đá phòng ngự phản công này cũng được các hàng xóm nhìn ra một vài điểm yếu để có thể khai thác. Minh chứng rõ nhất cho điều này ở chỗ người Thái Lan đã chỉ ra tại AFF Cup vừa rồi.
Vì thế, câu trả lời là phải đổi mới, có thế thôi, còn đổi mới như thế nào đó là việc của thầy trò ông Park Hang-seo. Đời sống này, không có gì là bất biến hết. Bóng đá cũng vậy, bóng đá thế giới cũng thế, nữa là chúng ta.
Trước hết, ở 4 trận cuối của vòng loại thứ 3 World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam hãy chiến đấu với tinh thần tận hiến. Dù đó là những trận đấu khó khăn với đối thủ mạnh. Với tôi, SEA Games 31 vào tháng 5 tới mới là quan trọng nhất
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vừa tổ chức Đại hội thường niên với nhiều giải pháp để phát triển bóng đá nước nhà. Chức danh lãnh đạo VFF cũng đã được kiện toàn khi chọn Phó Chủ tịch chuyên môn Trần Quốc Tuấn đảm nhiệm vị trí Quyền Chủ tịch. Ông kỳ vọng gì về nhiệm vụ mà ông Tuấn được giao cho giai đoạn mới của bóng đá Việt Nam?
Quyền Chủ tịch Trần Quốc Tuấn là một gương mặt quen biết của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Người ta biết đến anh về một VIP của VFF cần có. Điểm mạnh của anh ấy là khả năng quản trị đối với một tổ chức như VFF và điều này ở ta ít có người đủ sức. Tôi hy vọng anh Trần Quốc Tuấn sẽ tiếp tục thể hiện tốt hơn nữa những việc anh từng làm. Nếu trước đây là những việc thầm lặng ở vai trò Phó Chủ tịch thì bây giờ sẽ có thêm những việc dễ nhận thấy hơn với cương vị mới của anh ấy tại “ngôi nhà” VFF.
V-League 2022 đang được chờ đợi sau quãng thời gian các giải đấu trong nước ngưng trệ vì dịch bệnh. Dự cảm của ông về giải đấu này ở mùa giải mới?
V-League 2022 ư, thật khó mà nói lên được dự cảm của mình khi mà mới đây, tôi chứng kiến vài “trục trặc” trên bàn giấy hay diễn đàn của bóng đá Việt Nam. VFF và VPF cần xiết chặt tay hơn nữa khi điều hành bóng đá Việt Nam. VFF, và VPF cần bỏ ngoài tai một số phát ngôn thiếu tính xây dựng của vài nhân vật có thể “nổ” bất cứ lúc nào khi thấy không ưng cái bụng. Cần kiện toàn, nâng chất, chuyên nghiệp hơn năng lực quản lý, điều hành một số ban, bệ của bộ máy VFF và VPF cũng là điều cần thiết. Có như thế thì “cỗ máy” VFF và VPF mới chạy đều và làm giảm thiểu những dị nghị không đáng có.
Sau gần 20 năm, Việt Nam lại vinh dự đăng cai SEA Games 31 trong năm nay. Một người đã từng “lăn lộn” với rất nhiều kỳ SEA Games, ông có thể chia sẻ những quan điểm của mình về công tác tổ chức để có được một kỳ Đại hội Thể thao khu vực thành công trên cả công tác tổ chức và chất lượng chuyên môn?
Một lần nữa, SEA Games sẽ diễn ra trên đất Việt Nam. Mơ ước, kỳ vọng rất nhiều nhưng lo lắng cũng không ít. Làm sao để SEA Games này đậm chất Olympic hơn nữa, thành tích của những môn thuộc hệ thống Olympic được cải thiện nhiều hơn nữa, là điều quan trọng nhất. Sẽ là một kỳ SEA Games đáng nhớ vì “con COVID-19” như đang lơ lửng ở đâu đó, cho nên SEA Games 31 diễn ra chu toàn, trọn vẹn và thành công sẽ được xem là kỳ tích.
Tôi có một chút thất vọng vì linh vật SEA Games là sự lạ lẫm với nhiều người Việt Nam. Tôi cũng chưa biết Đại hội này có một bài hát nào hay và sâu sắc hơn so với kỳ trước. Cuối cùng là bóng đá nam. Năm 2003, đội tuyển chủ nhà SEA Games Việt Nam đã thua Thái Lan 1 - 2 ở trận chung kết vì thế SEA Games năm đó dù Đoàn Thể thao Việt Nam về nhất nhưng chưa thể trọn vẹn. SEA Games 30 năm 2019 trên đất Philippines chúng ta đã lần đầu tiên có được tấm HCV bóng đá nam sau 60 năm đợi chờ. Năm nay, SEA Games tổ chức trên sân nhà, vì thế sẽ rất khó chấp nhận nếu năm nay đội tuyển U23 Việt Nam không được bước lên bục cao chiến thắng. Vậy nên, với tôi, SEA Games 31 rất quan trọng với bóng đá Việt Nam.
Xin được cảm ơn ông về cuộc trao đổi!