Chuyện của Ánh Viên và Huy Hoàng
25 tấm HCV qua 4 kỳ SEA Games từ 2013 tới 2019 của Ánh Viên không chỉ làm thay đổi bộ mặt tuyển bơi Việt Nam. Nó còn làm thay đổi bộ mặt cả nền thể thao quốc gia và đã nhiều lần trở thành nhân tố khác biệt củng cố thứ hạng cho đoàn thể thao Việt Nam tại đấu trường khu vực.
Muốn biết Ánh Viên quan trọng với tuyển bơi Việt Nam thế nào, cứ nhìn mục tiêu của đội tại SEA Games tới là rõ: 6 - 8 HCV. Đó cũng chính là thành tích của Ánh Viên ở SEA Games 2015, 2017 (8 HCV) và 2019 (6 HCV). Việc Ánh Viên vắng mặt ở tuyển bơi Việt Nam là điều không thể tưởng tượng nổi và sẽ tác động tiêu cực tới thành tích đội tuyển cũng như toàn đoàn.
Cũng bởi thế, lãnh đạo môn đã “năm lần bảy lượt” thuyết phục Ánh Viên quay lại dù cô đã nhiều lần có ý định chia tay. Quyết định sau cùng của Viên là không thể thay đổi. Một kỳ Đại hội rực rỡ không chờ tuyển bơi Việt Nam. Nhưng chuyện về Ánh Viên cũng mang tới những bài học và mở ra cho tuyển bơi Việt Nam con đường mới không ít hy vọng.
Ngôi sao lĩnh xướng tuyển bơi thay Ánh Viên là Huy Hoàng. Ở tuổi 22, Huy Hoàng là một trong số ít VĐV Việt Nam sở hữu đẳng cấp thế giới, có tiềm năng thậm chí trội hơn Ánh Viên trong quá khứ.
Một HCB, một HCĐ ở Asian Games cùng tấm HCV Olympic trẻ, tất cả đều trong năm 2018, là minh chứng cho tài năng sớm nở của Huy Hoàng.
Giống Ánh Viên, Huy Hoàng được kỳ vọng trở thành mũi nhọn, giúp bơi lội Việt Nam hướng tới các tấm huy chương châu lục và thế giới danh giá.
Để làm được điều đó, Hoàng phải được đầu tư bài bản và tập trung tối đa vào các mục tiêu cạnh tranh sở trường. Đó là sự khác biệt lớn giữa Hoàng và Ánh Viên. Bài học của “Tiểu tiên cá” vẫn là nỗi đau của thể thao Việt Nam khi cô dồn quá nhiều sự quan tâm cho SEA Games mà không thể cải thiện thành tích châu lục.
25 tấm HCV khu vực của Ánh Viên được trả giá bằng việc cô không thể vượt qua nổi đỉnh cao của mình kể từ giai đoạn 2014 - 2016. Việc phải thi đấu dàn trải ở quá nhiều nội dung khiến Viên không tập trung được vào các thế mạnh. Cộng thêm vô số vấn đề cả chủ quan và khách quan trong quá trình huấn luyện tại Mỹ, Ánh Viên vì thế bỏ lỡ thời gian đẹp nhất của mình và không bao giờ còn vươn tầm thế giới.
Cùng thời điểm với Ánh Viên, Singapore cũng sở hữu một kình ngư có đẳng cấp tương đồng là Joseph Schooling. Schooling cũng có tới 27 HCV SEA Games nhưng phần lớn trong số này thuộc các nội dung đồng đội. Anh không phải làm quen với các nội dung mới, không phải dàn sức cho sân chơi khu vực. Kết quả là Schooling được tập trung toàn diện cho sở trường và mang về cho Singapore HCV Olympic 2016 ở nội dung 100m bướm nam. Trên đường đua chung kết tại Rio, Schooling đã đánh bại huyền thoại Michael Phelps của đoàn Mỹ.
Rút kinh nghiệm từ Ánh Viên, Huy Hoàng đang được đầu tư cẩn thận hơn. Ở SEA Games 2021 tại Việt Nam, Hoàng chỉ tham dự 3 nội dung 400m, 800m và 1.500m bơi tự do. Anh chỉ tham gia các nội dung thế mạnh với cự ly gần như tương đương. Điều đó khiến việc tập luyện dài hạn của Huy Hoàng không bị ảnh hưởng. Anh sẽ bước ra khỏi SEA Games với thể lực và có thể là cả tinh thần hoàn hảo (nếu giành nhiều HCV). Tuyển bơi cũng đã chuẩn bị cho Hoàng kế hoạch trở lại Hungary.
Hoàng từng trải qua giai đoạn khó khăn khi HLV của anh là chuyên gia người Trung Quốc Huang Gouhui bất ngờ qua đời hồi giữa năm ngoái. Việc huấn luyện của Hoàng từ đó tới nay do HLV trưởng tuyển bơi Việt Nam Nguyễn Hoàng Vũ trực tiếp đảm trách. Rất sớm sau SEA Games, Hoàng sẽ có một chuyên gia ngoại tiếp tục đồng hành (nhiều khả năng vẫn từ Trung Quốc). Anh sẽ được chuẩn bị toàn diện để hướng tới Asian Games 2022 tại Hàng Châu. 4 năm trước, ở kỳ Đại hội trên đất Indonesia, Hoàng đã giành 1 HCB, 1 HCĐ.
Hy vọng chiến thắng của anh ở Đại hội thể thao châu Á - Asiad Hàng Châu 2022 còn mạnh mẽ hơn khi đối thủ lớn nhất của anh là siêu kình ngư Sun Yang (Trung Quốc) bị cấm thi đấu 4 năm. Ở Indonesia, Huy Hoàng và Sun Yang đã bỏ xa những người còn lại. Không còn Sun Yang vì thế là cơ hội vàng cho Huy Hoàng mang vế tấm HCV bơi lội danh giá.
Thời của những kình ngư nam
Sự vắng mặt của Ánh Viên cũng mở ra thời kỳ mà các tay bơi nữ không còn thống trị ở tuyển bơi Việt Nam. Ngoài Huy Hoàng, những hy vọng huy chương hàng đầu đều thuộc về những tay bơi nam như Trần Hưng Nguyên, Phạm Thanh Bảo, Nguyễn Hữu Kim Sơn, Paul Lê Nguyễn hay Nguyễn Quang Thuấn, em trai của Ánh Viên. Trong số này, Hưng Nguyên đang là chủ nhân HCV ở các nội dung 200m và 400m hỗn hợp cá nhân.
Tất cả họ đều rất trẻ: Huy Hoàng (2000), Hưng Nguyên (2003), Thanh Bảo (2001). Đó là còn chưa nói tới Quang Thuấn (2006), cậu em đầy tài năng của Ánh Viên. Dù đã tạo ấn tượng rất mạnh tại giải vô địch quốc gia cuối năm ngoái, giờ có lẽ chưa phải lúc cho Thuấn mơ về tấm HCV SEA Games.
Đánh giá về Thuấn, HLV Nguyễn Hoàng Vũ phân tích: “Thuấn là VĐV trẻ. Thời gian vừa qua, bạn ấy có nhiều thành tích nổi bật trong các cuộc thi trong nước. Bạn ấy rất tiềm năng và có cơ hội phát triển lâu dài”. Tính toán của Ban huấn luyện tuyển bơi cho thấy họ sẽ có 3 HCV từ Huy Hoàng, 2 HCV từ Quang Thuấn. Thanh Bảo có thể giành 1 HCV nữa trong khi một vài VĐV khác còn khả năng cạnh tranh. Ngoài các nội dung cá nhân, nhóm nội dung tập thể không mang tới nhiều hy vọng khi Singapore vẫn tỏ ra quá mạnh. Nếu tính toán chuẩn xác, bơi lội Việt Nam sẽ đứng thứ 2 toàn đoàn.
Tuyển bơi Việt Nam hiện tập luyện tại Cung Thể thao Dưới nước ở Mỹ Đình (Hà Nội), nơi cũng là địa điểm thi đấu SEA Games. Tuyển bơi chia làm 2 nhóm. Một nhóm trọng điểm mới trở về từ Hungary gồm 9 VĐV và 2 HLV. Phần còn lại tập trong miền Nam và vừa ra hội quân.
Tổng quân số đội tuyển là 31 VĐV, mục tiêu là tranh chấp 6 - 8 HCV.