Khoảng trống Ánh Viên và câu chuyện thay đổi chiến lược phát triển thể thao nước nhà

Việc Nguyễn Thị Ánh Viên chia tay đội tuyển quốc gia đã để lại quá nhiều xúc cảm với những người yêu mến chị. Chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh khẳng định khoảng trống của "cô gái vàng" để lại là rất đang lo.

Hãy đồng cảm cùng Ánh Viên

Kình ngư Ánh Viên vừa giành đến 21 HCV (cá nhân và đồng đội) tại giải bơi bể 25m Vô địch quốc gia 2022, nhưng trước đó, kình ngư này đã đưa ra quyết định giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, chia tay đội tuyển quốc gia, vậy cảm nhận của ông về quyết định này như thế nào?

Trước hết, với một người gắn bó nhiều năm cùng thể thao nước nhà, tôi trân trọng tất cả những đóng góp của các thế hệ VĐV chúng ta từ trước đến nay cho thể thao Việt Nam. Với Ánh Viên, cô ấy là một VĐV có nhiều công lao cho thể thao nước nhà, mang lại nhiều thành tích cho bơi Việt Nam.

Chú thích ảnh
Chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh. Ảnh: TT&VH

Cũng cần phải nói rằng, bơi Việt Nam trước thời kỳ của Ánh Viên không đạt được những thành tích ở khu vực chứ chưa nói đến châu lục. Đơn cử như SEA Games 21 năm 2001 mới có được tấm HCB của Trần Xuân Hiền. Sau đó mãi đến năm 2005 mới có HCV bơi ếch của Nguyễn Hữu Việt ở SEA Games 23. Sau này, các em, các cháu VĐV thế hệ của Ánh Viên mới tạo ra được sự bùng nổ giúp bơi Việt Nam vào vị thế hàng đầu Đông Nam Á và có thể giành đến 6 - 7 hay hàng chục HCV ở 1 kỳ SEA Games. Đó là công lao của Ánh Viên, Huy Hoàng, Quý Phước cùng những VĐV nổi bật khác. Vì thế, đối với tôi, tôi đánh giá rất cao công lao của Ánh Viên cho thể thao và bơi Việt Nam.

Do đó, tất cả chúng ta cần hiểu, chia sẻ, đồng ý cũng như ủng hộ quyết định của Ánh Viên. Những nhà quản lý thể thao nước nhà nên tạo điều kiện cho Ánh Viên khắc phục những khó khăn, tìm lại được những điều cần có trong cuộc sống của cô ấy, trở lại cuộc sống bình thường sau những năm tháng dài cống hiến cho thể thao.

Đã thấy khoảng trống thế hệ kế cận

Sau lưng Ánh Viên là một khoảng trống và không thể phủ nhận bơi Việt Nam đang khủng hoảng thế hệ kế cận, ông nhìn nhận gì về điều này?

Thể thao thành tích cao nói chung của tất cả các môn, trong đó có môn bơi bao giờ cũng phải có hệ thống đào tạo VĐV. Hệ thống từ tuyển chọn ban đầu, bắt đầu chuyên môn hóa, chuyên môn hóa sâu rồi đến nâng cao thành tích và duy trì thành tích trong thể thao. Hệ thống đó phải duy trì nhiều năm, ít nhất quãng từ 8 - 10 năm mới có được VĐV trình độ cao.

Như thế nếu muốn có các lứa VĐV kế tiếp nhau, ngoài việc bồi dưỡng cho một số VĐV xuất sắc phải đảm bảo chú ý bồi dưỡng VĐV trẻ tài năng. 2 vấn đề này phải được đảm bảo song song. Nên nhớ việc tuyển chọn VĐV trẻ có tài năng đặc biệt thì không phải lúc nào cũng có, cũng tìm ra được. Thêm nữa, nếu không chăm chút cho VĐV trẻ, tài năng thì không thể đào tạo ra được những lứa VĐV đủ trình độ để tiếp cận, thay thế cho các VĐV đi trước. Đó là một quy luật trong thể thao.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng Ánh Viên đã có một sự nghiệp sôi nổi và đáng trân trọng. Ảnh: TTXVN

Khoa học thể thao đã chứng minh rằng “nguồn sống”, nguồn tồn tại và phát triển mạnh mẽ là phải chú tâm trông nom, đào tạo thế hệ các VĐV kế tiếp nhau. Các VĐV đi sau thường chỉ “bước lên vai” chứ rất ít người “bước lên đầu” những người đi trước.

Từ quy luật đó ta nhìn về thể thao Việt Nam với một VĐV tài năng đặc biệt là Ánh Viên. Cô gái này đã vượt lên trên với những thành tích đặc biệt xuất sắc. Ngoài Ánh Viên bơi lội còn có thêm vài gương mặt xuất sắc nữa như Nguyễn Hữu Việt, Huy Hoàng....

Nhưng chỉ có được Ánh Viên, Huy Hoàng, Lâm Quang Nhật… chứ không thể có nhiều hơn được nữa, tại sao lại như vậy? Trước hết, nằm ở chủ trương đầu tư cho các đội tuyển trẻ quốc gia. Suốt thời gian dài, việc đầu tư cho các tuyến VĐV trẻ từ địa phương đến trung ương chưa được quan tâm đúng mức. Kinh phí của nhà nước chỉ đủ bồi dưỡng trực tiếp cho các VĐV đỉnh cao đang tập trung để làm nhiệm vụ thi đấu hàng năm chứ chưa thể đầu tư cho các đội tuyển trẻ quốc gia.

Kinh phí hạn hẹp chỉ là một vấn đề. Cái chính ở chỗ “thái độ đầu tư”. Nhận thức về quy luật phát triển của thể thao chưa đúng mức. Chúng ta chỉ tập trung cho VĐV đỉnh cao chứ chưa quan tâm đến công tác đào tạo trẻ. VĐV tài năng xuất sắc vốn dĩ đã khó tìm, lại thêm không tập trung để tìm thì đúng là rất khó. Những năm 2019, 2020, các đội tuyển trẻ quốc gia đang tập luyện đã phải giải tán vì thiếu hụt kinh phí. Kinh phí chỉ đủ bồi dưỡng cho những VĐV làm nhiệm vụ ở các giải quốc tế mà thôi. Căn nguyên lớn nhất đến từ đó.

Ví dụ rõ nhất từ trường hợp của Ánh Viên. Một thời cô là “của để dành”nhằm gánh trọng trách lấy huy chương SEA Games. Bây giờ Ánh Viên nghỉ thì đúng là “hụt” huy chương rồi. Tôi nghĩ các VĐV trẻ trong khả năng có thể cố gắng phấn đấu để lấy được 4 - 5 HCV cho môn bơi ở SEA Games 31 tới, còn để thêm HCV nữa đúng là khó khăn. Nếu có Ánh Viên, cô ấy có thể “gánh” khoảng 5 - 7 HCV nữa. Như thế, về tổng thể có thể ảnh hưởng đến số lượng huy chương, thành tích của Đoàn Thể thao Việt Nam.

Từ câu chuyện Ánh Viên và môn bơi, cũng có thể hình dung về công tác đào tạo trẻ của thể thao nước nhà...

Hạn chế lớn nhất của ngành thể dục thể thao (TDTT) nước nhà lúc này nằm ở đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là ở địa phương. Đại đa số các nhà lãnh đạo TDTT ở các địa phương không phải xuất thân chuyên môn từ lĩnh vực chuyên ngành,cho nên, họ không nắm bắt, nhận thức, thấu hiểu được những quy luật, ngóc ngách, khía cạnh chuyên môn thể thao. Họ không quan tâm để dành những nguồn kinh phí, ngân sách xứng tầm cho công tác đào tạo trẻ, xây dựng và phát triển lực lượng.

Chính từ điều đó không thể có được nguồn lực đủ lớn để đầu tư cho thể thao. Đầu tư ở đây phải trên mọi phương diện từ chế độ dinh dưỡng, thuốc men, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật. Không có được những quan tâm đúng mực như thế, chuyện hụt hẫng các thế hệ VĐV là điều dễ hiểu.

Phải thay đổi chiến lược phát triển thể thao nước nhà

Theo ông, thể thao nước nhà cần hoạch định chiến lược phát triển thế nào trong thời gian tới?

Chiến lược cùng những phương thức để thể thao Việt Nam phát triển trong thời gian tới theo tôi về cơ bản vẫn dựa vào những Nghị quyết của Nhà nước đối với hoạt động TDTT. Cụ thể là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020; Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 03/12/ 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020.

Trước hết, phải chỉ rõ những nguyên nhân làm cho thành tích thể thao chưa bền vững. Trong đó, có thể kể đến nguyên nhân do sự lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan quản lý điều hành TDTT chưa thật sâu sát, cụ thể. Điều này cũng bắt nguồn từ việc ngành TDTT đã sáp nhập vào Bộ chủ quản, chưa có được cơ chế hoạt động riêng biệt để tạo ra điều kiện tốt nhất nhằm thực hiện bài bản công việc của mình.

Thứ hai, phải kiện toàn, đổi mới hệ thống tổ chức ngành TDTT nước nhà hiện nay. Tạo ra được đội ngũ cán bộ ổn định, chuyên môn cao, cơ sở vật chất và khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu.

Cùng với đó, kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào thể thao. Thực tế cho thấy bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào có được sự góp sức đầu tư của nguồn lực xã hội, cộng đồng doanh nghiệp đều mang lại kết quả xứng tầm. Thể thao cũng vậy thôi, nhất thiết phải xã hội hóa sâu rộng theo đúng xu thế quốc tế hiện nay.

Xin cảm ơn ông !

Theo Thethaovanhoa.vn
Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng sẽ cùng thể hiện bài hát chính thức của SEA Games 31
Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng sẽ cùng thể hiện bài hát chính thức của SEA Games 31

Nhà sản xuất bài hát chính thức của SEA Games 31 (bài hát “Hãy tỏa sáng”, tên tiếng Anh: Let’s Shine) dự kiến sẽ mời nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thu Minh, Tùng Dương, Hà Anh Tuấn, Mỹ Tâm, Tóc Tiên, Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng MTP... tham gia thể hiện bài hát chính thức của đại hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN