Ngày 31/8, đoàn thể thao Trung Quốc giành tổng cộng 132 huy chương, trong đó có 62 Huy chương Vàng (HCV), Huy chương Bạc (HCB), 32 Huy chương Đồng (HCĐ), tạo khoảng cách khá xa so với vị trí thứ hai là đoàn thể thao Anh chỉ giành được tổng cộng 80 huy chương, trong đó có 29 HCV, 23 HCB, 28 HCĐ.
Đoàn thể thao RPC và đoàn thể thao Mỹ tiếp tục có một ngày so kè ở từng bộ môn thi đấu chung kết. Đến cuối ngày, đoàn thể thao RPC đã vượt lên chiếm vị trí thứ ba với tổng cộng 74 huy chương, trong đó có 25 HCV, 16 HCB, 33 HCĐ. Kém hơn chỉ 1 HCV, đoàn thể thao Mỹ đành chấp nhận vị trí thứ tư với tổng cộng 63 huy chương, trong đó 24 HCV, 24 HCB, 15 HCĐ.
Đoàn thể thao nước chủ nhà Nhật Bản tiếp tục dậm chân ở giữa bảng tổng sắp với 22 huy chương, trong đó có 5 HCV, 6 HCB, 11 HCĐ, tạm đứng vị trí thứ 15. Trong đó, nữ cua rơ Sugiura Keiko đã ghi dấu ấn đặc biệt, trở thành vận động viên người khuyết tật Nhật Bản nhiều tuổi nhất giành huy chương vàng tại một kỳ Paralympic khi đăng quang ở tuổi 50.
Tính đến hết ngày 31/8, đã có tổng cộng 80 đoàn thể thao giành được ít nhất một huy chương. Trong khu vực Đông Nam Á, vẫn chưa có thêm đoàn thể thao nào giành được huy chương ngoài 5 đoàn, trong đó Thái Lan có 1 HCV, 1 HCB, 4 HCĐ, xếp ở vị trí thứ 43; Malaysia có 1 HCV, 1 HCB, xếp ở vị trí thứ 47; Singapore có 1 HCV, vị trí thứ 51; Indonesia có 1 HCB, 2 HCĐ, xếp ở vị trí thứ 59; và Việt Nam có 1 HCB, xếp ở vị trí thứ 63.
Trong ngày thi đấu hôm nay, các vận động viên của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam không có lịch thi đấu, nhưng ngày mai sẽ tiếp tục trở lại với bộ môn bơi lội. Theo đó, kình ngư Võ Thanh Tùng sẽ tham gia nội dung cuối cùng là bơi 50m tự do nam hạng thương tật S5 vào khung giờ buổi sáng. Nếu vượt qua được vòng loại, Thanh Tùng sẽ có cơ hội tranh chấp huy chương ở lượt chung kết vào buổi chiều tối cùng ngày.