Đầu tiên là mất điểm một cách ngơ ngác trước Nhật Bản, sau đó là giành được 1 điểm trước Tây Ban Nha và ở lượt trận đấu cuối vòng bảng, tuy có được 3 điểm trước Costa Rica, song "thực đơn" dường như quá "khó nuốt", khiến Đức bị nghẹn với một chiến thẳng không có ý nghĩa gì. Đức buồn bã nói lời chia tay Qatar ngay từ vòng loại, giống như tại giải đấu năm 2018 trên đất Nga. Với việc bị loại từ vòng bảng ở 2 kỳ World Cup liên tiếp, đội tuyển Đức đã lập một kỉ lục buồn.
Quả thực tại World Cup năm nay, người hâm mộ đã rất kỳ vọng vào một "Cỗ xe tăng" bất bại, khi đội tuyển sở hữu nhiều tài năng trẻ thực sự đẳng cấp. Ít người nghĩ tới kịch bản Đức phải rời Qatar ngay từ vòng loại như thế này. Người ta cố gắng đi tìm câu trả lời vì sao Đức phải sớm nói lời chia tay giải đấu một cách cay đắng và quá chóng vánh như vậy. Cứ nhớ tới khuôn mặt "bất biến" của tài năng trẻ Musiala khi anh hết lần này tới lần khác nỗ lực đi bóng một mình trong khu cấm địa để tìm cách đưa bóng vào lưới là thấy ngay sự bế tắc của những khẩu pháo trên cỗ xe tăng. Đó còn là hình ảnh Kimmich gào thét khi tổ chức những quả đá phạt quan trọng, nhất là vào những phút cuối trận đấu.
Đức đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội ghi bàn, nhưng đến khi tận dụng được thì trong rất nhiều trường hợp, khung thành lại từ chối bàn thắng. Điều này cho thấy việc tận dụng, chắt chiu các cơ hội ghi bàn đã được các cầu thủ thực hiện một cách khá cầu thả. Khi bị đeo bám chặt, các cầu thủ thường tìm cách sút ngay về phía khung thành. Phần nhiều những cú đá ấy bóng bay lên trời hoặc cách quá xa mục tiêu.
Nhiều chuyên gia nhận định Đức thất bại trong trận đầu ra quân vì đã đánh giá thấp Nhật Bản, không chỉ bởi vô vàn những sai lầm ở hàng thủ. Có thể các tuyển thủ Đức vẫn ngẩng cao đầu với tư cách là đội tuyển 4 sao, nhưng như những gì mọi người đã thấy thì ngay cả Costa Rica cũng không có bất cứ chút e ngại nào khi đối đầu với "Cỗ xe tăng". Ngược lại, "tinh thần Đức" lâu nay thể hiện qua các cầu thủ cũng như HLV, thì thực sự khó nhận ra ở đội tuyển hiện nay. Nhiều nhà bình luận cũng đánh giá danh sách cầu thủ mà ông Flick đưa tới Qatar lần này chưa thực sự thuyết phục dù đây là giải đấu đầu tiên của ông với đội tuyển quốc gia. Chẳng hạn, ông vẫn phải trông cậy vào một Thomas Müller bị chấn thương thời gian dài trước World Cup, và rõ ràng cầu thủ này đã sa sút phong độ. Hàng thủ yếu ớt không thể giải quyết một cách căn bản, trong khi hàng tiền vệ với quá nhiều tài năng lại chưa được sắp xếp một cách hợp lý ở từng thời điểm. Việc gọi cầu thủ vào/ra như trong trận gặp Nhật Bản đã cho thấy sự không hợp lý của Flick khi đưa ra ngoài quá sớm các cầu thủ tấn công.
Sau 8 trận thắng liên tiếp ở vòng loại World Cup, nước Đức đã lên cơn "sốt" và kỳ vọng vào một mùa gặt hái vinh quang dưới thời tân HLV Flick. Tuy nhiên, các đối thủ ở vòng loại của Die Manschaft không thực sự có tên tuổi, chỉ là Armenia, Liechtenstein, Iceland hay Bắc Macedonia. Sau đó thì số trận hoà (thậm chí thua) đã tăng lên, trong đó có trận thua Hungary ngày 23/9. Điều đó bộc lộ những khiếm khuyết rất rõ của tuyển Đức khi phải đối đầu với những đội "rắn" hơn. Và tại Qatar, ngay từ trận đấu đầu tiên, những tồn tại của đội tuyển từ các khu vực trên sân cho tới mảng miếng của HLV đã cho thấy có những vấn đề. Trận đấu với Nhật Bản bộc lộ yếu kém nhất ở hàng phòng ngự khi trong nhiều trường hợp bị đối phương khoan thủng tấm lá chắn để đưa bóng đối diện với thủ thành Manuel Neuer.
Thực sự việc xây dựng phòng thủ của Đức trước các đợt phản công có vấn đề rất lớn, thường bị động, lúng túng và không hề chắc chắn. Klostermann chơi tương đối tốt ở hàng thủ nhưng trong trận đầu tiên gặp Nhật Bản cũng mắc nhiều sai lầm. Người chơi được đánh giá an toàn và ổn định nhất có lẽ là hậu vệ của Real Madrid Antonio Rüdiger. Ngoài ra, khi chơi bóng dài, các cầu thủ vẫn gặp lúng túng khi cần phối hợp. Sự không chắc chắn ở hàng thủ còn phải kể tới sự đóng góp của Neuer. Không có gì phải bàn cãi về khả năng cứu những bàn thua trông thấy cho tuyển Đức, song những cú "ra chân" bất cẩn của thủ môn Bayern Munich này đôi khi lại tặng cho đối thủ những cơ hội hết sức "ngon ăn".
Trong trận gặp Costa Rica, Đức được hưởng tới 14 quả phạt góc, nhưng không một pha bóng nào được tổ chức thành bàn thắng. Nếu tính tổng cả 3 trận đấu, Đức có tới 69 cú sút vào khung thành đối phương (26 quả trong trận đầu, 11 quả trong trận thứ hai, 32 quả trong trận thứ ba) - con số cao hơn bất cứ đội bóng nào khác cho tới nay ở World Cup 2022, song lại chỉ ghi được tổng cộng 6 bàn. Trong trận đấu với Nhật Bản, nếu chắt chiu và chuẩn xác hơn các cú sút thì Đức có lẽ đã dẫn trước 3-4 quả trước khi để thủng lưới. Riêng tài năng 19 tuổi Jamal Musiala đã bỏ lỡ 5 hoặc 6 cơ hội ngon ăn, nhưng rõ ràng quyết định tự đi bóng được đưa ra khi anh đã kiến tạo rất nhiều, nhưng đồng đội đều không thể chuyển thành bàn.
Tóm lại, những vấn đề muôn thuở của tuyển Đức, hoặc ít nhất từ World Cup 2018 đến nay, vẫn còn nguyên đó. Hành trang của ông Flick tiến tới EURO 2024 trên sân nhà là hai thất bại ngay từ vòng loại World Cup 2018-2022 và EURO 2021. Flick rõ ràng đã bác bỏ khả năng từ chức trong phát biểu sau trận đấu với Costa Rica và như vậy, nhiệm vụ tới đây của vị HLV sinh năm 1965 này còn rất dài.