Ác mộng sân cỏ

Chưa bao giờ, báo chí thế giới lại đề cập nhiều đến bóng đá Việt Nam như thời điểm này. Rất nhiều trang báo điện tử lớn của thế giới như Reuters, Daily Mail, Straits Times, Asiaone, Jagran Post... đồng loạt đưa tin và hình ảnh về cú vào bóng rợn người của cầu thủ Đình Đồng (SLNA) tại vòng 7 V.League 2014, khiến cầu thủ Anh Hùng (Hùng Vương An Giang) bị gãy xương ống chân, đứng trước nguy cơ phải giải nghệ.


Không ngạc nhiên, khi dư luận lên tiếng ủng hộ với án phạt (“treo giò” đến hết mùa giải) mà Ban kỷ luật của VFF dành cho Đình Đồng. Đã một thời gian dài, mỗi khi nói đến sân cỏ V.League, là người ta hình dung ngay đến thứ bóng đá ít chuyên môn, nhưng đầy bạo lực. Nhiều người nhận xét, V.League 2014 đang đứng trước thảm họa khi mà vì hành vi bạo lực trên sân cỏ đang dần trở nên phổ biến và chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Danh sách cầu thủ bị chấn thương và những pha bóng bạo lực cứ ngày một dài thêm. Tại V.League 2014, không chỉ pha vào bóng mang tính triệt hạ đối phương của Đình Đồng ở vòng 7, mà xuất hiện nhan nhản những pha bóng xấu xí khác.

Ngay ở trận khai mạc, trên sân Thanh Hóa, người hâm mộ chứng kiến những pha vào bóng sặc mùi võ đài khi thủ môn Thanh Thắng (V.Hải Phòng) phi cả hai chân vào tiền đạo Sunday (Thanh Hóa). Ở Vòng 5, trên sân Hoa Lư (Ninh Bình), cầu thủ Danny của Đồng Tâm Long An đã phải nhập viện trong tình trạng rạn xương sườn sau pha bỏ bóng đá người của cầu thủ chủ nhà Đinh Văn Ta. Ở vòng 6, trận tiếp đón Hoàng Anh Gia Lai trên sân Cẩm Phả, Bruno của Than Quảng Ninh đã bị gãy xương chân sau pha tranh bóng một mất một còn với Vũ Anh Tuấn của đội khách. Bruno sau đó đã được đưa lên Hà Nội để phẫu thuật và khả năng sẽ phải nghỉ đến hết mùa...


Theo thống kê sơ bộ, V.League 2014 dù mới chưa hết nửa chặng đường, đã có trên dưới 10 cầu thủ phải nghỉ thi đấu dài dài vì chấn thương. Với nghiệp “quần đùi áo số”, đôi chân là một tài sản vô giá. Nếu vì một pha bóng thô bạo khiến họ phải giải nghệ, thì quả là một cơn ác mộng.


Những pha vào bóng kiểu triệt hạ đối phương như một thứ ung nhọt, một vấn nạn, mà chưa tìm được thuốc đặc trị. Lối chơi xấu gần như đã thành bản năng của cầu thủ trên sân cỏ V.League.


Tình trạng bạo lực sân cỏ ở V.League nguyên nhân do đâu? Nếu đặt vấn đề về đạo đức cầu thủ khi họ “chém đinh chặt sắt”, thì cũng cần phải đặt vấn đề với những người cầm cân nẩy mực giải đấu, trước hết là với đội ngũ trọng tài, giám sát trận đấu, rồi trách nhiệm của các câu lạc bộ trong việc giáo dục đạo đức cầu thủ... Thực tế cho thấy, dù đã có những phản ứng gay gắt của dư luận về bạo lực sân cỏ ở V-League 2014, nhưng với các nhà quản lý và các câu lạc bộ lại có phần phản ứng yếu ớt và thiếu kịp thời. Phải chăng, đang có một sự dung túng để bạo lực sân cỏ có đất phát triển?


Bạo lực sân cỏ có lẽ đã bớt đi nếu như các trọng tài làm việc thực sự công minh, trách nhiệm. Nếu như lối đá thô bạo của các cầu thủ được xử lý cương quyết bằng những bản án kịp thời, nghiêm minh, thì chắc rằng hành vi ấy đã không đến mức leo thang và để lại hậu quả xấu như hiện tại. Tương tự, công tác trọng tài nếu thực hiện nghiêm túc hơn, các sai sót, nhất là các sai sót trong việc bỏ sót lỗi, bỏ sót thẻ không kéo dài từ vòng này qua vòng khác,từ mùa giải này qua mùa giải khác, nếu các giám sát làm việc nghiêm túc.


Có thực tế, vì sợ trách nhiệm, nên phần lớn các giám sát không phản ánh trung thực diễn biến của trận đấu, sai sót của các trọng tài thường được lấp liếm, không được mổ xẻ đến nơi đến chốn. Đó là những lỗi không nhỏ, bởi suy cho cùng, đó lỗi thiếu tinh thần trách nhiệm, gây ra hậu quả nghiêm trọng.

 

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN