Trong số đó, có 2 kỷ lục thế giới mới được thiết lập trong môn bắn cung, đều do các vận động viên (VĐV) của Hàn Quốc thực hiện; 1 kỷ lục thế giới trong môn bắn súng - thuộc về VĐV của Đài Loan (Trung Quốc); 1 kỷ lục thế giới bơi lội thuộc về kình ngư Trung Quốc và 1 kỷ lục thế giới về cử tạ của VĐV Iran.
Đối với các kỷ lục cấp châu lục, có 3 kỷ lục đến từ bộ môn bắn súng, bơi và cử tạ. Về kỷ lục của ASIAD, có 5 kỷ lục thuộc về bắn cung, điền kinh, bắn súng, bơi lội và cử tạ.
INASGOC đánh giá sự phản ứng nhanh nhạy và xử lý kịp thời đối với các sự cố và chấn thương của các VĐV cũng là một điểm sáng của Á vận hội lần này. Khi 3 VĐV dù lượn bị rơi xuống và gặp chấn thương, họ đã ngay lập tức được đưa đến bệnh viện quân đội Gatot Soebroto (ở Jakarta) bằng máy bay trực thăng và xe cứu thương - những phương tiện được bố trí thường trực 24/24. Chấn thương của VĐV Afghanistan đang hồi phục tốt, trong khi 2 VĐV khác của Nhật Bản và Trung Quốc đã được đưa về nước ngay sau đó.
Là nước chủ nhà của ASIAD 2018, Indonesia phải thể hiện tốt nhất trong tất cả các phương diện của một sự kiện tầm cỡ châu lục có nhiều bộ môn thi đấu. Bên cạnh việc đảm bảo các điều kiện thi đấu cũng như cơ sở hạ tầng tốt nhất, Indonesia cũng phải chú trọng đến các biện pháp chống sử dụng chất kích thích.
Theo ông Harry Warganegara Harun, một thành viên của INASGOC, doping là một vấn đề quan trọng mà Ban tổ chức ASIAD 2018 đặc biệt lưu tâm. Để giải đấu thực sự thành công và có chất lượng, mọi loại chất kích thích đều bị nghiêm cấm và tất cả các VĐV phải tuân thủ các quy định này.
Ngoài ra, để đảm bảo giải đấu thân thiện với môi trường, tất cả các VĐV cũng như người hâm mộ đều được mời tham gia duy trì môi trường sạch đẹp trong suốt giải đấu. Các nhà cung cấp thực phẩm quanh làng VĐV cũng không được phép sử dụng hộp nhựa để đựng thực phẩm, nhằm đảm bảo sức khỏe cho VĐV cũng như bảo vệ môi trường.