Khi giải Arab Cup được tổ chức tại Doha tháng 12/2021, Ahmad (32 tuổi) đã biết thông tin màu áo thi đấu của các đội tuyển, kiểu tóc của các cầu thủ và ai là người chuyên đá bóng bằng chân trái.
Theo kênh Aljazeera, Ahmad biết được những điều này nhờ các bình luận viên tại Doha đã cung cấp bình luận âm thanh miêu tả siêu chi tiết (ADC) bằng tiếng Arab cho cổ động viên khiếm thị hoặc suy giảm thị lực trên khán đài.
Chương trình đào tạo được tổ chức tại Đại học Hamad Bin Khalifa (Qatar), phối hợp với Trung tâm tiếp cận bóng đá tại châu Âu (CAFE).
Theo những học viên của chương trình ADC, quá trình bình luận không chỉ miêu tả diễn biến thực trên sân cỏ cho người khiếm thị và suy giảm thị lực mà còn truyền tải không khí kèm theo trong trận đấu. Người sử dụng cần tải một ứng dụng điện thoại và nghe bình luận từ bất cứ vị trí nào trong sân vận động.
Trong các giải World Cup tổ chức tại Brazil 2014 và Nga 2018, dịch vụ này chỉ có phiên bản bằng tiếng Anh. Nhưng tại World Cup 2022, dịch vụ sẽ tích hợp thêm tiếng Arab.
Những học viên được đào tạo trong chương trình đều phải trải qua 3 vòng kiểm tra để được tuyển chọn. Đến nay đã có 64 bình luận viên ADC bằng tiếng Arab và trong số này có 21 người tham gia bình luận tại World Cup 2022 khai mạc trong tháng 11.
Alan March, một giáo viên chương trình đào tạo ADC ở Doha chia sẻ: “Hãy bỏ qua việc đọc tên các cầu thủ khi chân họ chạm bóng. Thay vào đó, miêu tả trái bóng chuyển động từ phía nào của sân, khoảng cách của trái bóng với thủ môn khi tiền vệ sút bóng và liệu nó nằm trong hay ngoài vạch vôi trắng penalty”.
ADC là một bước đi nhỏ nhưng quan trọng trong việc đưa bóng đá đến gần hơn với người khuyết tật trên khắp thế giới.
Việc đào tạo và dịch vụ của ADC lần đầu xuất hiện trong giải Euro 2012 tổ chức tại Ba Lan và Ukraine. Ban đầu ADC được triển khai từ tai nghe kết nối với một thiết bị nhưng điều này không thuận tiện để tiếp cận tại sân vận động. Do đó, ADC được thay đổi để có thể tiếp cận qua sóng FM.