Phân biệt chủng tộc, vấn đề mà bóng đá Anh tưởng rằng đã xử lí gọn ghẽ trong quá khứ, giờ đang trở lại ám ảnh sân cỏ xứ sương mù. Danh tiếng toàn cầu của giải Ngoại hạng bị hoen ố không ít sau một loạt những vụ bê bối liên quan tới vấn nạn này.
Sau khi các ngôi sao Luis Suarez và John Terry phải nhận án phạt treo giò vì có những lời lẽ phân biệt chủng tộc nhằm vào đối thủ trong các trận đấu, vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn nhiều sau vụ việc cuối tuần qua.
Trọng tài Mark Clattenburg. Nguồn: Internet. |
Trọng tài hàng đầu Mark Clattenburg bị cáo buộc xúc phạm mang tính phân biệt chủng tộc với cầu thủ da màu John Mikel Obi của Chelsea. Câu chuyện nghiêm trọng này diễn ra sau trận "đại chiến" Premier League ở vòng 9 giữa Chelsea và Manchester United trên sân Stamford Bridge mà đội khách giành thắng lợi nghẹt thở 3-2.
Trọng tài Clattenburg bị người hâm mộ Chelsea coi là "thủ phạm" phá hỏng 90 phút kịch tính này khi truất quyền thi đấu của hai cầu thủ chủ nhà đồng thời công nhận bàn thắng đầy tranh cãi của Chicharito ấn định chiến thắng cho Manchester United.
Trong khi cơn bão tranh luận về những tiếng còi đúng sai của Clattenburg còn đang tưng bừng diễn ra, quả bom phân biệt chủng tộc nổ tung với cáo buộc từ Chelsea nhằm vào trọng tài này. Tính chất nghiêm trọng của vấn đề là không còn gì phải bàn cãi.
Cựu trọng tài giải Ngoại hạng Jeff Winter bình luận trên BBC: "Nếu một trọng tài dùng ngôn ngữ, lời lẽ xúc phạm một cầu thủ, người đó phải bị trừng phạt nghiêm khắc. Nếu bị chứng minh đúng là như vậy, đây rất có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp".
Liên đoàn bóng đá Anh (FA) cũng như cảnh sát London đã quyết định mở cuộc điều tra và tạm thời, trọng tài Clattenburg phải "ngồi chơi xơi nước", không được cầm còi cuối tuần này. Vụ trọng tài Clattenburg bị cáo buộc phân biệt chủng tộc thực sự là cú sốc lớn. Phân biệt chủng tộc không phải chuyện mới mẻ với bóng đá Anh.
Thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước, nền bóng đá này đã phải chứng kiến không ít hình thức chế nhạo của những người hâm mộ cực đoan trên khán đài nhằm vào cầu thủ da màu như giả tiếng kêu của khỉ hay ném chuối. Tuy nhiên, sau khi Premier League ra đời năm 1992 và nhanh chóng trở thành giải đấu hấp dẫn hàng đầu thế giới, các sân vận động đã "sạch" hơn, văn minh hơn rất nhiều. Phân biệt chủng tộc dường như đã cơ bản biến mất.
Chính vì thế, Premier League được xem là thiên đường cho các cầu thủ da màu. Họ hiện diện ở tất cả các CLB và đến năm 2002, Arsenal thường xuyên có thể tung ra một đội hình xuất phát trong đó có tới 9 cầu thủ da đen hoặc da màu. Khi các đội bóng Anh du đấu bị thành nạn nhân của phân biệt chủng tộc, truyền thông xứ sương mù luôn cho rằng đây là vấn nạn giờ thuộc về phần còn lại của sân cỏ thế giới.
Ví dụ như sau vụ tuyển thủ trẻ Dany Rose của Anh bị khán giả chế giễu bằng cách giả tiếng kêu của khỉ trong một trận U-21 tại
Serbia (Xécbia) đầu tháng này, dư luận Anh đã rất choáng váng. Nhiều thập kỷ qua, người ta không thấy những hình ảnh tồi tệ như vậy ở Anh.
Ngay cả khi tiền đạo người Uruguay Suarez bị cáo buộc xúc phạm Patrice Evra của Manchester United hồi mùa giải năm ngoái, vẫn có quan điểm cho rằng vấn đề không quá nghiêm trọng và chủ yếu là vì Suarez chưa thích nghi được với một cuộc chơi đa văn hóa như Premier League.
Tuy nhiên, dường như vụ Suarez chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm. Tiền đạo của Liverpool này bị treo giò 8 trận song sau đó đến vụ Teri bị cáo buộc có lời lẽ phân biệt chủng tộc nhằm vào Anton Ferdinand. Một tòa án dân sự Anh xử đội trưởng Chelsea trắng án song FA không cho rằng như vậy.
Teri bị phạt 220.000 bảng cũng như bị treo giò 4 trận. Giờ đến vụ trọng tài Clattenburg và đang có những lo ngại rằng phân biệt chủng tộc chưa bao giờ "chết", nó đang quay trở lại. Cựu cầu thủ Chelsea John Barnes, người thường xuyên bị ném chuối trong thập niên 80, nhận xét: "Không thể loại bỏ được phân biệt chủng tộc trong bóng đá một khi nó vẫn hiện hữu trong xã hội".
Premier League đã và đang là một mô hình thành công ngoạn mục của bóng đá trên thị trường toàn cầu. Nhưng hình ảnh lộng lẫy đó sẽ bị hoen ố rất nhiều nếu bóng ma phân biệt chủng tộc lại ám ảnh. Bản thân các cầu thủ da màu tại giải Ngoại hạng Anh cũng đang mạnh mẽ thể hiện cảm xúc của mình.
Một loạt gương mặt như Rio Ferdinand, Jason Roberts, Micah Richards ...từ chối khoác lên mình chiếc áo phông cổ vũ cho chiến dịch bài trừ phân biệt chủng tộc "Kick It Out" trước mỗi trận đấu. Họ làm như vậy nhằm chỉ trích tổ chức "Kick It Out" đã kém hiệu quả trong cuộc chiến chống vấn nạn này.
TTXVN/ Tin Tức