Bundesliga - Thiên đường của bóng đá?

Phục vụ bia tại ghế, giá vé 12 bảng cho mỗi trận và những cổ động viên nhiệt tình bậc nhất châu Âu... Phải chăng bạn đã lạc vào thiên đường của bóng đá?


Nếu bạn đang mải dõi theo những trận bóng đỉnh cao tại Champions League, có thể bạn sẽ bỏ lỡ trận đấu Bayern Munich gặp Hannover tại AWD-Arena. Thật không may cho đội chủ sân AWD-Arena là Bayern vẫn chơi giỏi như trên mặt trận châu Âu vậy, tỉ số 6-1 cho thấy phong độ đỉnh cao của đội bóng. Thế nhưng không một CĐV nào của Hannover bỏ về sớm. Họ cùng ở lại chia sẻ bia tươi, vẫy cờ và hát cho tới tận cuối trận đấu. Thứ âm thanh ấy khiến các cầu thủ ở dưới sân không hề cô đơn, họ thi đấu nhiệt huyết cho tới tận cuối trận.


Bundesliga đang dần trở thành giải đấu hấp dẫn nhất thế giới.


Hậu vệ tới với Hannover từ một hợp đồng cho mượn của Arsenal Johan Djourou nhận xét: “Đây thực sự là một thế giới khác. Bạn có thể thấy thứ không khí này ở một vài sân bóng nước Anh, nhưng ở đây chúng tôi có thứ không khí bóng đá tuyệt vời ấy ở khắp mọi nơi”.


Tại Đức, thức uống được phục vụ tại chỗ ngồi trong khi tại Anh cấm mang bia vào sân bóng suốt 28 năm nay. Một động lực khác cho các CĐV là họ có thể đi tàu miễn phí tới sân bóng. Điều này khác hẳn tại Anh, nơi các CLB tích cực khai thác nguồn lợi tài chính từ các CĐV. Mức vé vào sân Bayern Munich là 13 eruo (khoảng 12 bảng Anh) khiến cho Bundesliga trở thành giải đấu hút fan bậc nhất thế giới, trung bình mỗi trận đấu chật kín 40.000 chỗ. Và nếu gọi giải đấu này là “sản phẩm cao cấp” của thể thao, tin chắc cũng sẽ không ai phản đối.


Sức mạnh của cổ động viên


Có thể tìm kiếm lợi nhuận từ CĐV nhưng các CLB đừng bao giờ coi họ là khách hàng. Để lý giải sự khác biệt giữa hai nền bóng đá Anh và Đức, phóng viên thể thao người Đức Raphael Honigstein nói trên The Guardian: “Các CĐV có sức mạnh thực sự bởi họ kiểm soát một cách gián tiếp mô hình thành viên của CLB”. Không giống như tại Anh, nơi quyền sở hữu của CĐV được tận dụng mỗi khi đội bóng gặp khó khăn về tài chính thì tại Bundesliga việc chia sẻ quyền sở hữu cho CĐV là việc làm bắt buộc. Nguyên tắc 50+1 có nghĩa là 51% CLB được sở hữu bởi các CĐV trừ phi CLB trở thành một hiệp hội có thời gian hoạt động trên 2 năm hoặc là sở hữu của một công ty như trường hợp của Wolfsburg là sở hữu của Volkswagen. Và như vậy, không có chuyện đội bóng gạt ngoài tai ý kiến của CĐV bởi họ có thể bầu hoặc gạt người quản lý không tốt ra khỏi ghế ở kỳ bầu chọn sau.


Ngay việc trợ giá vé vào sân khá nhiều cũng là đặc trưng riêng của bóng đá Đức thể hiện mong muốn phát triển song hành cả yếu tố kinh doanh và xã hội. Các CLB thường rất cố gắng để tính giá vé thấp hơn chi phí thực tế một cách hết sức cẩn thận nhằm hỗ trợ cho niềm đam mê thực sự của CĐV.


Kịch bản Tây Ban Nha


Mặc dù Borussia Dortmund bứt phá từ nhiều năm nay nhưng vẫn rất khó cho các CLB Đức nếu muốn lật đổ Munich- CLB lớn và thành công bậc nhất đất nước này. Bởi lẽ họ có phần lớn các CĐV của đất nước và nguồn lực tài chính tầm cỡ các đội bóng tham dự Champions League. Bayern có đội hình cầu thủ và cả các HLV mà bất cứ CLB Đức nào cũng phải mơ ước. Và một kịch bản rất Tây Ban Nha đang diễn ra, đó là hai đội bóng Munich và Dortmund cùng nhau chia sẻ vị trí đứng đầu các mùa giải, tương tự trường hợp ngôi vị số 1 trở thành câu chuyện của riêng Barcelona và Real Madrid tại La Liga.


Hẳn nhiên các CLB Đức thuộc sở hữu của các CĐV từ nhiều năm qua nhưng tại sao tới gần đây mới khiến châu Âu xôn xao? Đó là vì cho tới nay chất lượng bóng đá Đức tăng rất nhanh, trở thành thế lực áp đảo tại châu Âu. Điển hình năm nay, các CLB Đức đã khiến cho các CLB Tây Ban Nha lần lượt giã từ các giải đấu lớn. Bản thân Bundesliga đã có rất nhiều cầu thủ giỏi mà không cần quá phụ thuộc vào việc nhập khẩu cầu thủ ngoại.


Mỗi năm các CLB Đức chi tới 650 triệu euro để phát triển các tài năng trẻ, tập trung tạo lập hệ thống các học viện bóng đá. Trong đó, Đức có yêu cầu tới tất cả các CLB đầu tư vào các học viện này. Tới cuối mùa giải 2010-2011, hơn một nửa các cầu thủ chơi tại Bundesliga là cầu thủ tốt nghiệp từ các học viện bóng đá trong nước.


Đầu tư cho bóng đá trẻ


Ngay tại Hannover hiện cũng đã xây dựng được lớp cầu thủ trẻ kế cận từ 6-8 tuổi. Đặc biệt đội đã có 12 năm kinh nghiệm phát triển cầu thủ trẻ. Cũng như tại Tây Ban Nha, kỹ thuật cũng được xem là sức mạnh của các cầu thủ trẻ tại Đức. Trong khi đó, các cầu thủ ở Anh lại có điểm nhấn là sức mạnh nhưng còn yếu về kỹ thuật.


Từ bài học về sự phát triển bóng đá ở Tây Ban Nha hay ở Đức, bóng đá Anh cũng nỗ lực để phát triển các học viện bóng đá trẻ. Nhưng việc làm này cũng vấp phải nhiều thách thức về vấn đề văn hóa làm bóng đá. Nếu như Bundesliga, một giải đấu được điều hành bởi người Đức, dẫn dắt bởi hầu hết các HLV Đức thì việc phát triển các tài năng trong nước như một nhu cầu tự thân. Nhưng ở Anh, mọi việc hoàn toàn khác. Không lý gì một HLV ngoại tại Chelsea lại cảm thấy cần thiết phải phát triển một tài năng trong nước trong khi họ dễ dàng tìm được các ngôi sao khác từ thị trường chuyển nhượng.

Rõ ràng không phải có tiền là có tất cả, Premier League là giải đấu lớn, thu hút bậc nhất châu Âu nhưng không vì thế mà không khí bóng đá tại đây vượt trội hơn các giải đấu khác. Và các CĐV phải trả 50 bảng Anh cho mỗi chỗ ngồi tại sân Emirates đôi khi vẫn phải cổ vũ thầm lặng vì thiếu thứ không khí cuồng nhiệt vốn đã là bóng đá.



Lê Sơn

Bundesliga trở lại| Dortmund có vượt qua “lời nguyền”?
Bundesliga trở lại| Dortmund có vượt qua “lời nguyền”?

Đã có sự chuẩn bị kỹ càng nhưng Dortmund đã khởi đầu mùa giải 2011-2012 khá thất vọng. Trong 6 vòng đầu, đoàn quân của HLV Juergen Klopp đã để thua tới 3 trận, chỉ kiếm được 7 điểm, xếp thứ 1.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN