Bẵng đi một thời gian, chuyện cầu thủ Việt kiều hồi hương góp sức cho đội tuyển quốc gia lại trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn. Trong đợt tập trung đầu tiên chuẩn bị cho vòng loại Asian Cup 2015, HLV tạm quyền Hoàng Văn Phúc đã quyết định triệu tập Mạc Hồng Quân, đồng thời tạo cơ hội để Michal Nguyễn thử việc, bắt đầu từ ngày 23/1 tới.
Thêm sức trẻ
Ngày 18/1 vừa qua, Hồng Quân đã trở về Việt Nam từ CH Séc. Sự xuất hiện của cầu thủ Việt kiều này trong đội hình của HLV Hoàng Văn Phúc là không mấy bất ngờ, bởi năm ngoái, anh từng góp mặt trong đội tuyển U22 tham dự vòng loại châu Á. Tại giải đó, trong vai trò tiền đạo (thay vì sở trường là tiền vệ công), Hồng Quân đã thi đấu xuất sắc và ghi 3 bàn thắng. Mới đây, một bước ngoặt trong sự nghiệp đã đến với Hồng Quân khi anh đến Hertha Berlin (hạng 2 Đức) thử việc. Năm nay 21 tuổi, cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo danh tiếng Sparta Prague đang đứng trước những cơ hội để khẳng định tài năng.
Michal Nguyễn sẽ tận dụng được cơ hội? |
Giống như Hồng Quân, Michal Nguyễn cũng mang quốc tịch CH Séc, nhưng đây mới là lần đầu tiên cầu thủ thuộc biên chế Banik Most (hạng 2 CH Séc) lọt vào tầm ngắm của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Có thể chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm và trung vệ, Michal Nguyễn được HLV - nhà tuyển trạch Mai Đức Chung đánh giá cao hơn so với những cầu thủ Việt kiều từng được giới thiệu cho VFF trước đây.
Michal Nguyễn lớn hơn Hồng Quân 3 tuổi và anh cũng nằm trong kế hoạch trẻ hóa đội hình của đội tuyển Việt Nam. Trên thực tế, trong danh sách 26 tuyển thủ được triệu tập đợt này, có tới 11 cầu thủ sinh sau năm 1990 và đây dự kiến sẽ là những trụ cột của đội hình tham dự SEA Games 27 vào cuối năm nay. Kể cả Michal Nguyễn cũng có cơ hội tới Mianma theo quy định về việc mỗi đội tuyển U23 tham dự SEA Games được quyền triệu tập 3 cầu thủ quá tuổi.
Mạc Hồng Quân từng góp mặt ở đội tuyển U22 Việt Nam năm ngoái. |
Sau thất bại đáng xấu hổ tại AFF Suzuki Cup 2012, đòi hỏi về một luồng sinh khí mới tại đội tuyển là vấn đề có tính chất sống còn. Tạm gác chuyện những Công Vinh, Trọng Hoàng, Thanh Hưng, Quang Hải... có nằm trong “danh sách đen” hay không, những cầu thủ mới được triệu tập ít nhất đã cho thấy sự sẵn sàng của VFF cho việc xây dựng một bộ khung hoàn toàn mới của đội tuyển. Việc HLV Hoàng Văn Phúc được lựa chọn tạm quyền và sau đó có thể tiếp tục làm trợ lý nếu VFF tìm được HLV chính thức, cũng nằm trong lộ trình này. Ông Phúc hiểu rất rõ lứa cầu thủ U22 sau khi vừa cùng họ giành ngôi á quân tại BTV Cup 2012. Và ông cũng hiểu tiềm năng của những cầu thủ Việt kiều như Hồng Quân - được đào tạo bài bản ở nước ngoài - trong quá trình hòa nhập với xu thế sử dụng “ngoại binh” của bóng đá khu vực Đông Nam Á.
Nhập tịch hay Việt kiều?
Cơ hội đang đến với Hồng Quân và Michal Nguyễn, nhưng có tận dụng được hay không lại không hề là chuyện đơn giản. Nhiều cầu thủ Việt kiều trước họ đã gõ cửa đội tuyển, nhưng rồi họ cũng ra đi nhanh như khi xuất hiện. Điển hình như trường hợp của Ludovic Casset (Pháp) năm 2004 hay Tony Lê Hoàng (Ba Lan) năm 2007. Được “ăn cơm Tây” và có thể hình tốt, nhưng do thiếu kinh nghiệm chơi bóng chuyên nghiệp nên họ cũng không trụ lại được lâu ở đội tuyển. Mới đây nhất, Nguyễn Thanh Giang cũng được HLV Mai Đức Chung tiến cử cho VFF cùng thời điểm với Hồng Quân, nhưng cầu thủ mang quốc tịch Đức này rốt cuộc cũng phải chịu chung số phận.
Có những cầu thủ Việt kiều đã đạt đến đẳng cấp thế giới, nhưng thật đáng tiếc, họ lại không đủ điều kiện để khoác áo đội tuyển. Đó là trường hợp của Lee Nguyễn (Mỹ) hay Yohann Cabaye (Pháp). Lee Nguyễn đã là một gương mặt quá quen đối với người hâm mộ Việt Nam khi anh thi đấu cho Hoàng Anh Gia Lai và Becamex Bình Dương. Năm 2007, 2 năm trước khi anh quyết định chuyển tới V-League cầu thủ sinh ra ở bang Texas này đã vinh dự được khoác áo đội tuyển Mỹ. Trong khi đó, Cabaye - có bà ngoại là người Việt Nam - đã tỏa sáng trong màu áo Lille trước khi gia nhập Newcastle. Tiền vệ có lối chơi thông minh này hiện là một trong các trụ cột của đội tuyển Pháp.
Theo quy định của FIFA, cầu thủ nào đã đại diện cho một Liên đoàn bóng đá quốc gia ở một giải đấu chính thức (một phần hay toàn bộ) thì sẽ không được thi đấu các trận quốc tế cho đội tuyển của một Liên đoàn bóng đá quốc gia khác. Ngoài ra, cho tới ngày sinh nhật thứ 21, cầu thủ được quyền thay đổi tư cách đại diện Liên đoàn bóng đá quốc gia (một lần duy nhất) để có thể thi đấu cho Liên đoàn bóng đá quốc gia mới. |
Nhìn chung, những cầu thủ Việt kiều luôn đem đến cho chúng ta cảm giác gần gũi, bởi họ ít nhiều mang trong mình dòng máu Việt. Nhưng thực tế đã cho thấy, tìm được những cầu thủ Việt kiều tài năng cho đội tuyển là không dễ. Hoặc nếu có thì họ lại đã thi đấu cho đội tuyển nơi mình sinh ra rồi.
Chính một phần vì rào cản này và đặc biệt là do làn sóng ngoại binh ồ ạt “đổ bộ” vào V-League trong những năm gần đây dưới cơ chế doanh nghiệp làm bóng đá, từng dẫn đến trào lưu sử dụng cầu thủ nhập tịch cho đội tuyển. Không thể phủ nhận trình độ và nhất là thể hình lý tưởng của những “ông Tây” này, nhưng rồi họ cũng nhanh chóng biến mất, từ Phan Văn Santos (Braxin), Đinh Hoàng La (Ucraina), Đinh Hoàng Max (Nigiêria), cho tới Huỳnh Kesley Alves (Braxin). Có những lý do về chuyên môn, nhưng điều quan trọng là những người này chẳng có “cô, dì, chú, bác” gì ở Việt Nam, nên chuyện họ đi cũng chẳng làm ai bận tâm nhiều.
Lúc này, mọi sự chú ý đang dồn vào Hồng Quân và nhất là “lính mới” Michal Nguyễn. Hy vọng nguồn “nhân lực” này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho một đội tuyển Việt Nam.
Song Long