Chuyến viếng thăm của Arsenal vào giữa tháng 7 này được xem là sự kiện lịch sử của bóng đá Việt Nam, bởi đây chính là một trong những đội bóng lớn hiếm hoi của châu Âu và thế giới nhận lời sang Việt Nam đá giao hữu. Với phong cách chơi bóng kỹ thuật, đẹp mắt và với đội hình lúc nào cũng hội tụ nhiều cầu thủ nổi tiếng, Arsenal thu hút được rất đông người hâm mộ trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bài 1: Sinh ra đã là “Pháo thủ”
Ra đời năm 1886, Arsenal là một trong những đội bóng thành công nhất trong lịch sử bóng đá Anh. Họ đã giành 13 chức vô địch tại hạng đấu cao nhất xứ sở sương mù, chỉ thua kém thành tích của Man Utd (20) và Liverpool (18). Arsenal nổi tiếng với lối chơi quyến rũ, là một “bông hoa lạ” tại một giải đấu chỉ “chạy và sút” truyền thống như Premier League.
Những khẩu thần công bên ngoài sân Emirates. Ảnh: zimbio |
Cái tên Arsenal bắt nguồn từ việc CLB được thành lập bởi một nhóm công nhân của Royal Arsenal - nhà máy sản xuất đạn dược tại Woolwich, phía Nam Luân Đôn. Đó cũng chính là lý do họ mang biệt danh “Pháo thủ” (The Gunners) và biểu trưng của đội bóng là một khẩu thần công.
Bước ngoặt mang tính lịch sử đầu tiên của Arsenal là năm 1913, khi họ dịch chuyển trụ sở, vượt sông Thames lên phía Bắc và lấy Highbury làm sân nhà. Trong “kho đạn” của Arsenal thì Highbury là một “vũ khí” vô cùng nguy hiểm. Chỉ các cầu thủ Arsenal mới nắm giữ những bí quyết để có thể phát huy tối đa sức mạnh trên mặt sân có kích thước nhỏ hẹp hơn mức thông thường như vậy. Tuy nhiên, sân bóng gắn liền với nhiều thế hệ cầu thủ Arsenal tài danh chỉ tồn tại tới năm 2006, thời điểm mà đội bóng khánh thành sân mới Emirates có sức chứa trên 60.000 người, để thích ứng với tầm vóc phát triển của CLB.
Dẫn dắt Arsenal từ năm 1996, Arsene Wenger chính là HLV nước ngoài đầu tiên và duy nhất của CLB tính đến thời điểm này. Chiến lược gia người Pháp đã tạo nên một Arsenal thực sự khác biệt, nhờ những thay đổi táo bạo về chiến thuật, về phương pháp huấn luyện và về chính sách chuyển nhượng. Những thành công mà Wenger có được tại Arsenal trong những năm 2000 đã gợi lại những giai đoạn hoàng kim trước đây của “Pháo thủ”, từ thời của Herbert Chapman huyền thoại những năm 1920, Bertie Mee đầu những năm 1970, cho tới George Graham cuối những năm 1980 và đầu 1990. Wenger đã giúp mang về phòng truyền thống của Arsenal 3 chức vô địch Premier League và 4 FA Cup, trong đó mùa giải Premier League 2003 - 2004 bất bại vẫn luôn được nhắc đến như một mốc son chói lọi không chỉ của riêng Arsenal, mà của cả giải Ngoại hạng Anh và bóng đá châu Âu.
Bệ phóng tài chính
Ngoài phong cách chơi bóng kỹ thuật đặc trưng, Arsenal còn được biết đến là một trong số ít CLB châu Âu có sự ổn định về mặt tài chính trong nhiều năm gần đây. Wenger đã phải chịu không ít chỉ trích về chính sách “thắt lưng, buộc bụng”, nhưng mọi thứ vẫn đang ở phía trước. Khi bệ phóng đã vững vàng, “Pháo thủ” luôn có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, nhất là vào thời buổi tiền bạc có thể nhanh chóng làm thay đổi một đội bóng, nhưng cũng có thể khiến họ sụp đổ ngay lập tức một khi các ông chủ rơi vào khủng hoảng.
Trong bảng xếp hạng của tạp chí Forbes ngày 17/4/2013, Arsenal (1,3 tỷ USD) được xếp ở vị trí thứ 4 trong danh sách các đội bóng có trị giá lớn nhất thế giới, chỉ sau mỗi Real Madrid (3,3), Man Utd (3,1) và Barcelona (2,6). Arsenal hiện đều đặn có mức lợi nhuận khoảng 70 triệu euro/năm. Một khi đội bóng trang trải hết khoản vay để xây dựng sân Emirates, Wenger sẽ có một số tiền lớn để thực hiện những dự án tham vọng.
Ngân sách hằng năm hiện nay của Arsenal là 450 triệu euro, trong đó quỹ lương dao động trong khoảng 45 – 50%. Tại Luân Đôn, Robin van Persie không thể đòi cao hơn mức lương 4 triệu euro/năm. Điều đó tạo nên một tập thể đoàn kết, đúng với bản sắc của Arsenal. Chính sách tuyển mộ các tài năng trẻ, đào tạo, rồi bán lại với giá cao của Wenger đã mang lại rất nhiều lợi nhuận cho CLB. Thierry Henry được Arsenal mua với giá 13,7 triệu euro và anh được bán lại cho Barcelona với giá 20 triệu euro. Cesc Fabregas được “trả lại” cho lò đào tạo Barca với giá 34 triệu euro, Samir Nasri được bán sang Man City với giá 28 triệu euro, hay Van Persie được đẩy sang Man Utd với giá 29 triệu euro khi chỉ còn 1 năm hợp đồng.
Tuy nhiên, hệ thống đó cũng có những hạn chế. Với mức lương như thế, Arsenal không thể giữ chân Van Persie (hiện được Man Utd trả khoảng 10 triệu euro/năm). Sức cạnh tranh trong đội hình cũng giảm. Tương tự như vậy, chính sách “mua rẻ, bán đắt” khiến đội bóng mất đi những thủ lĩnh khi họ đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Arsenal vẫn duy trì sự có mặt của mình trong tốp 4 Premier League (cho phép tham dự Champions League) trong 16 mùa giải liên tiếp, nhưng họ đã không giành được danh hiệu nào trong suốt 8 năm qua.
Sức ép thành tích đang ngày một đè nặng lên Arsenal. Sau khi để mất Van Persie, Wenger đã phải đầu tư khoảng 45 triệu euro để mua Lukas Podolski, Santi Cazorla và Olivier Giroud trong hè 2012. Ở kỳ chuyển nhượng này, HLV người Pháp cũng đang sẵn sàng phá vỡ cấu trúc lương, với hy vọng lôi kéo được Gonzalo Higuain (Real Madrid) hay thậm chí cả Wayne Rooney (Man Utd). Cho dù thế nào, động thái đó cho thấy Arsenal đã sẵn sàng trở lại cuộc đua vô địch.
Trước khi xuất hiện các tỷ phú “bơm” tiền mạnh mẽ để biến Chelsea và Manchester City thành những thế lực mới, Arsenal vẫn được xem là đối trọng của Man Utd tại Premier League. Man Utd thu hút được một số lượng fan khổng lồ trên toàn cầu, nhưng Arsenal cũng có thể tự hào về những CĐV trung thành của mình. Tình yêu đó không hề phai nhạt đi sau 8 năm trắng tay danh hiệu, mà ngược lại, nó chỉ càng thêm sâu đậm. Những trái tim “Pháo thủ” vẫn đang thổn thức và kỳ vọng khẩu thần công một lần nữa lại rền vang trên khắp các mặt trận.
Bảo An
Bài 2: Một phong cách Arsene Wenger