Người Việt Nam hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt, V-League là giải đấu chất lượng hàng đầu khu vực Đông Nam Á và suốt dọc dải đất hình chữ S có những điểm nghỉ dưỡng lý tưởng. Vậy mà tất cả những thuận lợi đó lại không giúp chúng ta thu hút các đội bóng lớn châu Âu và thế giới tới du đấu vào mỗi dịp hè, trong khi tour châu Á hay tour Đông Nam Á của những Barcelona, Manchester United, Chelsea… vẫn luôn đáp xuống Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia, Trung Quốc, Nhật Bản.
Tại sao không “hút khách”?
Mới đây, sau khi cùng với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ký được hợp đồng mời Arsenal (Anh) sang Việt Nam vào giữa tháng 7/2013, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank và đồng thời là Phó chủ tịch LĐBĐ Việt Nam (VFF), khẳng định: “Mời một đội bóng như Arsenal phức tạp lắm”. Phức tạp đơn thuần là do vấn đề kinh phí?
Các bạn trẻ trong Hội CĐV Arsenal tại TP.HCM. Ảnh: CTV |
Trên thực tế, kể từ khi bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại với sân chơi khu vực, số lượng những đội bóng nổi tiếng sang Việt Nam du đấu chỉ được đếm trên đầu ngón tay. Ở đó, người hâm mộ cũng đã quá quen với việc chỉ được xem “hàng nhái”, không phải “hàng xịn” như những hứa hẹn ban đầu. Điển hình như vụ Juventus và Barcelona sang Việt Nam, hai “đại gia” của Italia và Tây Ban Nha này chỉ mang theo đội hình dự bị. Ngay cả một đội bóng không có nhiều người hâm mộ như FC Porto (Bồ Đào Nha), khi sang Việt Nam cũng không mang theo một đội hình “tử tế”. Tính đến thời điểm này, Olympic Braxin là đội bóng nổi tiếng nhất và là “hàng xịn”, từng có mặt ở Việt Nam. Còn lại, người hâm mộ đành phải hài lòng với những cái tên như Olympiakos (Hy Lạp), Eintrack Frankfurt (Đức) hay gần đây nhất là Kashima Antlers (Nhật Bản).
Thông tin Arsenal cùng dàn sao của mình chuẩn bị đổ bộ xuống sân Mỹ Đình (Hà Nội) vì thế đang gây một cơn sốt. Cơn sốt đó thậm chí đã nổ ra ngay trong nội bộ những người tổ chức trận đấu, tạo nên một vụ tranh chấp rùm beng xung quanh mức giá thuê sân. Điều đó cho thấy, người hâm mộ Việt Nam khát khao được chiêm ngưỡng các ngôi sao hàng đầu thế giới đến cỡ nào. Nói cách khác, họ chưa bao giờ được thỏa mãn mong muốn chạm mặt thần tượng và khao khát âm ỉ đó đã có dịp bùng phát khi Olympic Braxin hay Arsenal “gật đầu” sang Việt Nam.
Vậy đâu là nguyên nhân của “cơn khát thần tượng” đó? Thứ nhất, phải nói ngay rằng việc mời được một đội bóng danh tiếng sang Việt Nam là rất tốn kém về tài chính. Không phải tới khi Ban tổ chức trận đấu tiết lộ phải chi khoảng 40 tỷ đồng cho thương vụ Arsenal, thì người ta mới biết đòi hỏi về tài chính để tổ chức được một trận đấu dạng như thế. Các đội bóng như Barca, Man Utd hay Chelsea khi du đấu châu Á những năm gần đây đều yêu cầu mức phí ra sân từ 1 - 3 triệu USD.
Không phải doanh nghiệp nào cũng… chịu được nhiệt! Cũng mới đây thôi, ngay trước khi Arsenal nhận lời, thương vụ đưa Francesco Totti, Daniele De Rossi cùng với AS Roma (Italia) sang Việt Nam đã bị hủy bỏ vào phút chót do vướng mắc về tài trợ.
Như vậy để thấy, công tác tổ chức không phải là rào cản chính khiến các đội bóng lớn không đến Việt Nam. Ít có kinh nghiệm tổ chức những trận đấu như vậy, nhưng chúng ta từng đăng cai SEA Games, Asian Indoor Games, Asian Cup, AFF Cup và sắp tới là Asiad. Chẳng lẽ lại “bó tay” trước một trận đấu!
Nắm bắt thời cơ
Ngoài vấn đề tài chính, một yếu tố khác cũng quyết định tới sự thành - bại của kế hoạch mời các đội bóng lớn sang Việt Nam, đó là mối quan hệ đối tác kinh doanh. Nếu không có sợi dây liên lạc tốt giữa HAGL và Arsenal (Học viện bóng đá HAGL - Arsenal JMG được mở từ năm 2007), làm sao “Các pháo thủ” có thể nhận lời mời từ phía Việt Nam? Ý tưởng đưa Arsenal sang Việt Nam đã được ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch Tập đoàn HAGL) ấp ủ từ rất lâu và bây giờ là “thời cơ chín muồi”.
“Thời cơ” đó chính là tính thời điểm. Chúng ta không thể “đùng một cái” mời một đội bóng lớn sang Việt Nam thi đấu. Như vậy sẽ rất tốn kém. Nếu nhớ lại, Olympic Braxin chấp nhận sang Việt Nam là bởi khi đó, họ vừa hủy đợt tập huấn tại Thụy Sỹ, và Việt Nam (cùng với Xinhgapo) là địa điểm thuận tiện để họ có thể di chuyển sang Bắc Kinh (Trung Quốc) tham dự Olympic 2008. VFF đã chộp được thời cơ để người hâm mộ có thể được “sờ nắn” những Ronaldinho, Pato, Diego, Hernanes… bằng xương, bằng thịt. Chi phí tất nhiên cũng giảm đáng kể so với khi chúng ta đơn phương mời Olympic Braxin. Tương tự như vậy, Arsenal cũng sẵn lòng ghé qua Việt Nam trong hành trình du đấu châu Á mùa hè này (tới Inđônêxia và Nhật Bản). Người hâm mộ cũng không lo mua nhầm “hàng nhái”, bởi chuyến đi dài ngày này chính là một đợt tập huấn quan trọng của Arsenal trước mùa giải mới.
Như vậy, nếu có một kế hoạch bài bản, dựa trên nghiên cứu về lịch du đấu của các CLB lớn, cùng với sự phối hợp tốt giữa VFF và các nhà tài trợ, Việt Nam hoàn toàn có thể mời được các ngôi sao hàng đầu thế giới với chi phí hợp lý. Nếu thua lỗ ở mức chấp nhận được, các doanh nghiệp nhiều khả năng cũng sẽ vẫn nhập cuộc (như HAGL và Eximbank), bởi hơn ai họ, họ thừa hiểu đó là những cơ hội quý giá để quảng bá cho doanh nghiệp của mình.
Song Long