Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã quyết định quay trở lại với phương án sử dụng HLV ngoại cho đội tuyển nam quốc gia, hướng đến AFF Suzuki Cup 2014. Nhưng chọn ai và cách đối xử với họ như thế nào lại là chuyện đáng bàn.
“Điếc không sợ súng”
Việc tìm kiếm HLV cho đội tuyển Việt Nam chưa bao giờ gặp khó khăn như hiện nay. Sau gần 2 thập kỷ tin tưởng vào các HLV ngoại, VFF gần đây đã xoay sang phương án HLV nội và đều nhận thất bại thảm hại: HLV Phan Thanh Hùng và HLV Hoàng Văn Phúc lần lượt không thể giúp đội tuyển vượt qua được vòng bảng AFF Suzuki Cup 2012 và SEA Games 27. Tình thế đó buộc VFF lại phải tìm “ngoại binh”, sau khi HLV Hoàng Văn Phúc chính thức được thanh lý hợp đồng hồi đầu tháng này.
Falko Goetz từng được VFF giới thiệu là “HLV ngoại giỏi nhất” của đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN |
Nhìn cái cách VFF loay hoay thuyết phục các HLV nội sau AFF Suzuki Cup 2012, rồi cuối cùng phải chọn ứng cử viên “duy nhất” Hoàng Văn Phúc, có thể khẳng định việc VFF nghĩ đến HLV ngoại vào thời điểm này là chuyện đặng chẳng đừng. Ngay chính Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã phải thừa nhận, hầu hết các HLV nội có năng lực đều không muốn lên tuyển, vì họ không dễ từ bỏ công việc tốt ở CLB, vì sức ép thành tích ở đội tuyển là quá lớn, họ luôn bị chỉ trích dữ dội, thậm chí bị lăng mạ, mỗi khi đội thất bại.
Trong khi đó, ngoài chuyện chuyên môn, HLV ngoại không bị chi phối nhiều về vấn đề tình cảm, có cái uy với cầu thủ hơn. Đặc biệt, vì sự khác biệt ngôn ngữ, HLV ngoại thường “điếc” trước những chỉ trích, dẫn đến không phải chịu áp lực lớn như HLV nội. Tuy nhiên, nếu sử dụng HLV ngoại lại phải “đau đầu” với vấn đề tài chính, bởi mức lương để “nuôi” một HLV ngoại thường không dưới 20.000 USD/tháng (chưa kể các chi phí khác), cao gấp nhiều lần so với HLV nội.
VFF hiện ngả theo xu thế lựa chọn HLV người Nhật Bản cho đội tuyển, bởi VFF đánh giá Nhật Bản là nền bóng đá phát triển trong khu vực. Gần đây, Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản cũng đã giới thiệu ông Koji Tanaka sang làm Trưởng Ban tổ chức V-League 2014. Tuy nhiên, sau chuyến làm việc tại Nhật Bản tuần qua, VFF đã mở rộng phạm vi tìm kiếm, với mục đích lựa chọn được HLV phù hợp nhất cho đội tuyển. “Hiện tại, chúng tôi có trong tay khoảng 15 hồ sơ ứng cử viên, không chỉ Nhật Bản, mà còn Đức, Pháp, Tây Ban Nha...”, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết.
Đã 8 đời HLV ngoại
Cho dù thế nào, VFF cũng đã có những bài học với rất nhiều HLV ngoại trước đây. Xác định rõ hướng đi của đội tuyển và hiểu về HLV sẽ giúp cho sự cộng tác giữa hai bên hiệu quả hơn, tránh tình trạng từng xảy ra là cứ liên tục sa thải HLV sau mỗi thất bại. HLV ngoại nhiều khi không chỉ là “tiền” như VFF nghĩ, nếu không, HLV Alfred Riedl đã không có một góp ý mà đến giờ VFF mới ngấm là “bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”.
Đa số các HLV ngoại từng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam đều có thời gian tại vị rất ngắn. Theo thống kê, trong vòng 17 năm, từ năm 1995 - 2011, đội tuyển Việt Nam đã qua tay 8 HLV ngoại. HLV Edson Tavares người Brazil đến và đi luôn trong năm 1995, cho dù ông được cho là người góp phần cải thiện đáng kể thể lực của các cầu thủ Việt Nam, vốn trước đó thường “xì hơi” trong hiệp 2. Các HLV Colin Murphy (1997), Edson Silva Dido (2001), Christan Letard (2002) và Falko Goetz (2011) cũng trụ lại vị trí của mình được 1 năm, thậm chí chỉ vài tháng như các ông Dido và Letard.
Một điểm đáng chú ý nữa là sự lặp lại. Một số HLV ngoại đã hơn một lần dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, như Tavares (1995; 2004), Riedl (1998 - 2000; 2003; 2005 - 2007), Henrique Calisto (2002; 2008 - 2011). Đây là những HLV có sự am hiểu nhất định về bóng đá Việt Nam và nhờ vậy thường được “chọn mặt gửi vàng” mỗi lúc VFF lâm vào thế bí. Mặc dù vậy, thực tế này cũng cho thấy sự hạn chế về mặt lựa chọn của VFF. Không có nhiều HLV ngoại giỏi thực sự bị hấp dẫn bởi công việc tại Việt Nam.
Tuy nhiên, một số HLV ngoại cũng đã góp phần nâng vị thế của bóng đá Việt Nam trên đấu trường khu vực, châu lục và được nhiều người hâm mộ yêu mến. Đó là HLV Karl Heiz Weigang (1995 - 1997) với tấm Huy chương Đồng giải vô địch Đông Nam Á - Tiger Cup 1996, HLV Riedl với Huy chương Bạc Tiger Cup 1998 và thành tích lọt vào vòng tứ kết Asian Cup 2007. Đặc biệt, HLV Calisto đã để lại dấu ấn lớn, khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam giành chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008 (Tiger Cup trước đây).
Nhắc lại để thấy, dù HLV mới là người Nhật Bản hay châu Âu, VFF cũng phải xác định rõ lộ trình dài hơi cho của đội tuyển Việt Nam. Một khi đã quyết tâm “xây nhà từ móng”, thành tích tức thời không phải điều kiện tiên quyết nữa.
Theo Tổng Thư ký Lê Hoài Anh, VFF sẽ kết thúc công việc tìm kiếm HLV ngoại vào đầu tháng 5, hoặc chậm nhất là giữa tháng 5, vì đội tuyển cần phải có “thuyền trưởng” cho một số trận đấu giao hữu trong tháng 6, trước khi lên kế hoạch chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup 2014 (từ ngày 22/11 - 20/12), do Việt Nam đồng đăng cai với Singapore. |
Bảo An