Đặc biệt, do lượng VĐV trong tỉnh không đủ nên Trung tâm Huấn luyện Thể thao (TTHLTT) Bắc Ninh đã phải thu hút, tuyển chọn VĐV từ các tỉnh khác.
Là người trực tiếp đi tuyển chọn, huấn luyện viên môn vật, TTHLTT tỉnh Bắc Ninh, thầy Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Vật là môn thế mạnh của tỉnh với nhiều "lò" luyện, nhưng cũng gặp phải khó khăn trong quá trình tuyển chọn VĐV thành tích cao. Công tác chọn lựa VĐV được bắt đầu từ đầu tháng 3 hàng năm, sau khi được đào tạo ban đầu, sẽ sàng lọc và tuyển chọn chính thức. Tuy nhiên, nhiều trường hợp mặc dù thực sự có đam mê và năng khiếu, cộng thêm trung tâm đến tận nhà vận động nhưng phụ huynh vẫn không muốn cho con mình đi đào tạo. Mặt khác, cường độ tập luyện cao ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tiếp thu các kiến thức văn hóa của các cháu.
Các VĐV môn boxing tập luyện tại Trung tâm huấn luyện TDTT Bắc Ninh. Ảnh: Báo Bắc Ninh |
Ông Nguyễn An Phú, Giám đốc TTHLTT tỉnh Bắc Ninh cho biết thêm, bên cạnh khó khăn trên, còn 1 số môn như: đấu kiếm, boxing, judo và wushu, do tỉnh Bắc Ninh chưa mở được các giải phong trào nên vấn đề tuyển chọn ban đầu khó khăn hơn, vì vậy các huấn luyện viên phải đi sâu, sát vào cơ sở, tuyển chọn theo giác quan kinh nghiệm là chính.
Trong quá trình tuyển chọn, ngoài chế độ dinh dưỡng, tập luyện, tiền thưởng, muốn giữ được VĐV các cấp chính quyền cần giải quyết tốt bài toán đầu ra cho các VĐV. Hầu hết, sau khi các em vào trung tâm đều trăn trở về vấn đề việc làm sau khi “giải nghệ”. Trong số hàng nghìn VĐV hết tuổi thi đấu, chỉ có số ít người đạt thành tích cao trong các giải quốc gia, quốc tế là được giữ lại. Còn lại, đa số các em đều phải đi học lại hoặc bắt đầu công việc với khởi đầu mới.
Thi đấu nội dung đôi nam tại giải cầu lông các nhóm tuổi. Ảnh: Báo Bắc Ninh |
Em Vũ Văn Xưởng, VĐV môn vật trăn trở: “Mong muốn lớn nhất của em cũng như bao VĐV khác là được thi đấu và cống hiến hết mình cho sự nghiệp thể thao của tỉnh. Sau khi hết tuổi thi đấu, em hi vọng các cấp chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ cho các VĐV sau khi “giải nghệ” sẽ có công việc làm phù hợp với khả năng”.
Còn em Nguyễn Văn Vũ (sinh năm 1997), VĐV môn đấu kiếm cho biết: “Do thời gian tập luyện ở Hà Nội nhiều khiến em bị chậm 1 năm học văn hóa. Đến nay, đang ở lớp 12, có nhiều thành tích trong các giải quốc gia nhưng em thấy rất mơ hồ về tương lai cũng như công việc sau này”.
Ông Nguyễn Đương Bắc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Trước thực trạng trên, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chính sách thu hút VĐV như quyết định phê duyệt Đề án “Chương trình đầu tư trọng điểm các môn thể thao thành tích cao tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020; Quy định chế độ dinh dưỡng, đặc thù cho HLV và VĐV; Quy định chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng thu hút nhân tài…”.
Để tuyển chọn VĐV, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vinh danh VĐV thể thao thành tích cao. Đồng thời, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh làm tốt công tác tuyển chọn ban đầu từ cơ sở, hình thành VĐV năng khiếu tuyến huyện nhằm cung cấp lực lượng VĐV năng khiếu cho tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh sẽ tăng cường đầu tư trang thiết bị, tiếp tục phối hợp, gửi VĐV ở các TTHLTT Quốc gia, chuyên gia nước ngoài huấn luyện.