Muốn biết tốc độ phát triển của “ngành công nghiệp bóng đá”, cứ nhìn vào bảng lương của cầu thủ...
Ronaldo trên đỉnh thế giới
Trong bóng đá hiện đại, doanh thu của một câu lạc bộ phần lớn đến từ nhà tài trợ, khán giả (bán vé), bản quyền truyền hình và kinh doanh các sản phẩm liên quan đến đội bóng. Khoản doanh thu này được tái đầu tư liên tục, trong đó phân nửa được dành cho việc trả lương cầu thủ. Hầu hết các đội bóng hàng đầu thế giới hiện nay như Real Madrid, Barcelona, Manchester United hay Bayern Munich, đều đang tìm cách khống chế quỹ lương tối đa ở mức 50% ngân sách hoạt động của mình, nhưng thực tế là mức lương trần của cầu thủ đang ngày càng tăng và phá vỡ mọi giới hạn.
Ronaldo (trái) trong buổi ký hợp đồng mới với Real Madrid. |
Để có thể lôi kéo cầu thủ ngôi sao về với mình, các đội bóng bây giờ không chỉ phải chấp nhận mức phí chuyển nhượng, mà Vatican từng có thời điểm chỉ trích là “xúc phạm người nghèo”, mà còn phải thuyết phục được cầu thủ về “những điều khoản cá nhân”. Mấu chốt của những điều khoản đó chính là mức lương, hiện đã lên tới mức trần hàng trăm triệu bảng Anh mỗi tuần.
Khi Cristiano Ronaldo đồng ý gia hạn hợp đồng với Real Madrid trong những ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng hè 2013, ngôi sao người Bồ Đào Nha đã trở thành cầu thủ được trả lương cao nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Theo tiết lộ của người đại diện Jorge Mendes, mức lương mới của Ronaldo tại sân Bernabeu là 17,7 triệu bảng/mùa giải, vượt qua kỷ lục 17 triệu bảng trước đó của tiền đạo Samuel Eto’o.
Con số 17,7 triệu bảng là mức lương sau thuế của Ronaldo. Nghĩa là, để có thể giữ chân cầu thủ chạy cánh có kỹ thuật và tốc độ siêu đẳng này, mỗi mùa giải Real Madrid phải bỏ ra 34,7 triệu bảng. Hợp đồng mới mà Ronaldo ký có thời hạn 3 năm (có hiệu lực từ năm 2015) và vì thế, tổng số tiền mà Real Madrid phải chi để “khóa chân” cầu thủ này là khoảng 104 triệu bảng.
Với số tiền trên, một đội bóng châu Âu hoàn toàn có thể mua mới nguyên cả một đội hình chất lượng.
Lương trần liên tục bị phá vỡ
Với luật Bosman, cầu thủ bây giờ được quyền tự do khoác áo một CLB mới, sau khi hết hợp đồng với đội bóng cũ. Thậm chí, trong 1 năm cuối của hợp đồng, cầu thủ hoàn toàn được phép liên hệ tìm kiếm đội bóng mới. Quy luật tất yếu: “Bến” nào chi hậu hơn, “thuyền” sẽ neo đậu. Cuộc “chạy đua tiền” giữa các CLB vì thế đã nổ ra, trong đó một mấu chốt của các thương vụ chuyển nhượng là tiền lương.
Messi từng nhận được đề nghị 25 triệu bảng/năm tiền lương. |
Phải trở lại đầu thế kỷ 20 mới thấy nguồn gốc của những khoản lương đầu tiên trong lịch sử bóng đá thế giới. Năm 1901, mức lương trần đầu tiên được áp tại Anh: 4 bảng/tuần. Nửa thế kỷ sau đó, mức lương trần này chỉ tăng gấp 3 lần, thành 12 bảng/tuần vào năm 1953. Tuy nhiên, cũng trong năm 1953 đã ghi nhận cuộc “nổi loạn” đầu tiên, khi Jimmy Hill ký hợp đồng với Fulham và được trả 20 bảng/tuần. Không đầy một thập kỷ sau, mức lương trần tại Anh chính thức bị xóa bỏ, với cột mốc là Johnny Haynes ký hợp đồng kỷ lục với Fulham năm 1961: 100 bảng/tuần.
Bắt đầu từ thời điểm đó, mức lương trần không ngừng tăng. Năm 19, Man Utd đã phải bỏ ra 51.000 bảng phí chuyển nhượng để có được chữ ký của George Best, đồng thời phải trả lương cho Quả bóng Vàng 19 ở mức 1.000 bảng/tuần.
Cuộc “nổi loạn” về mức lương tiếp đó lan rộng ra khắp châu Âu và đến năm 1980 đã chứng kiến một bước ngoặt mới. Đó là khi AS Roma của Italia bỏ ra 10.000 bảng/tuần để lôi kéo tuyển thủ Brazil, Paulo Roberto Falcao. Trong giai đoạn hoàng kim của mình, bóng đá Italia còn đặt thêm một cột mốc mới vào năm 1990: Roberto Baggio ký hợp đồng với AC Milan, nhận lương 51.000 bảng/tuần.
Đến năm 2001 thì sự “điên rồ” của thị trường trở nên mất kiểm soát. Trung vệ người Anh, Sol Campbell, trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử được trả lương ở mức 100.000 bảng/tuần, khi anh gia nhập Arsenal. Cũng trong hè 2001, vụ chuyển nhượng kỷ lục đã được Real Madrid thực hiện: Họ mua Zinedine Zidane về từ Juventus, với giá 63 triệu bảng.
Hè 2009, mức phí chuyển nhượng và mức lương cầu thủ lại được đẩy lên một cấp độ nữa: Trong khi Cristiano Ronaldo tới Real Madrid với giá 79 triệu bảng, thì Carlos Tevez kiếm được 200.000 bảng/tuần khi chuyển từ Man Utd tới Manchester City.
Đến năm 2011, Anzhi Makhachkala đã thu hút được sự chú ý của cả thế giới bóng đá, khi họ trả cho Eto’o mức lương 17 triệu bảng/mùa giải, tương đương với 325.000 bảng/tuần. Tuy nhiên, đội bóng Nga hiện phải trả giá đắt cho việc vung tay quá trán: Các cầu thủ lương cao được mời rời khỏi CLB, trong đó có cả Eto’o - người vừa gia nhập Chelsea trong hè 2013.
Nhưng Real Madrid không phải là Anzhi và họ mới đây đã tạo nên một đỉnh cao mới khi quyết định giữ chân Cristiano Ronaldo, với mức lương 17,7 triệu bảng/mùa giải, tương đương với 360.000 bảng/tuần.
Liệu kỷ lục của Ronaldo sẽ đứng vững được bao lâu? Không ai biết được, một khi Lionel Messi từng nhận được một lời đề nghị từ Nga (giấu tên) trong mùa hè vừa qua, với mức lương lên tới 25 triệu bảng/mùa giải.
B.A