Khi những tờ lịch đầu tiên của năm Giáp Ngọ được bóc xuống, thì cũng là lúc thể thao Việt Nam bắt đầu một guồng quay mới, đối mặt với nhiều thách thức mới, nhưng cũng có những cơ hội lịch sử. Với bước đà đã tạo dựng được trong năm Quý Tỵ và với sức mạnh từ thế hệ vận động viên trẻ, hy vọng thể thao Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều thành công trong năm 2014 này.
Lời chúc thứ nhất: Giấc mơ World Cup trở thành hiện thực
Các nữ cầu thủ Việt Nam đang đứng trước thời cơ lịch sử. Ảnh: Cao Mạnh Tuấn - TTXVN
|
Trong “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020”, bóng đá Việt Nam (cả nam và nữ) đặt chỉ tiêu khiêm tốn là vượt qua vòng loại thứ 3 của vòng loại World Cup khu vực châu Á - Thái Bình Dương ít nhất một lần. Nhưng thật bất ngờ, ngay cả vòng chung kết World Cup lúc này cũng không phải là điều gì quá viển vông. Thời cơ đó đang đến thật gần với bóng đá nữ Việt Nam, sau khi chúng ta lọt vào VCK Asian Cup 2014 và có cơ hội chiếm một vị trí trong tốp 5 của giải (cho phép tham dự World Cup 2015 tại Canada).
Thuận lợi lớn nhất là Việt Nam sẽ đăng cai VCK Asian Cup 2014 vào tháng 5 tới và thầy trò Trần Vân Phát sẽ chỉ phải cạnh tranh với Jordan, Thái Lan và Myanmar cho suất vé thứ 5, sau khi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Australia gần như chắc chắn chiếm 4 vị trí đầu tiên. Xác định đây là “cơ hội nghìn năm có một”, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã quyết định đầu tư mạnh cho bóng đá nữ, như lên kế hoạch tập huấn nước ngoài, tăng chế độ lương… Nếu thành công, đây sẽ là mốc son chói lọi trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Lời chúc thứ hai: Hoàn tất chỉ tiêu tại Asiad 17
Ánh Viên là một niềm hy vọng lớn của thể thao Việt Nam tại Asiad 17. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN |
Sau Đại hội thể thao Đông Nam Á năm 2013 tại Myanmar (SEA Games 27), thể thao Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị cho một mục tiêu lớn hơn trong năm 2014: Đại hội thể thao châu Á (Asiad) lần thứ 17 tại Inchoen (Hàn Quốc) vào tháng 9 tới. Giành 73 HCV, 86 HCB và 86 HCĐ tại SEA Games 27, nhưng thể thao Việt Nam chỉ hy vọng đạt 2 - 3 HCV tại Asiad 17. Điều đó cho thấy sự khác biệt giữa 2 đấu trường và yêu cầu đặt ra đối với mỗi VĐV là vô cùng lớn.
Nhắc lại sự kiện Asiad 16 năm 2010 tại Quảng Châu (Trung Quốc), Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Tổng cục Thể dục thể thao, ông Trần Đức Phấn, xem đó như là một kinh nghiệm “xương máu” cho các VĐV Việt Nam: “Chúng ta lọt vào 18 trận chung kết, nhưng cuối cùng chỉ giành được 1 HCV, còn lại là 17 HCB. Khoảng cách giữa 2 màu huy chương vừa gần, nhưng cũng vừa xa, buộc chúng ta phải tập trung đầu tư hơn nữa và nỗ lực hết mình trong thi đấu”.
Dự kiến, thể thao Việt Nam sẽ tham dự 18 - 25 môn trong tổng số 28 môn thi đấu tại Asiad 17. Hy vọng huy chương của chúng ta sẽ đặt vào bơi (Nguyễn Thị Ánh Viên), điền kinh (Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Quách Thị Lan), thể dục dụng cụ (Phan Thị Hà Thanh), bắn súng (Hoàng Xuân Vinh), cử tạ (Thạch Kim Tuấn)…
Lời chúc thứ ba: V-League khởi sắc
V-League hy vọng có thể lôi kéo khán giả trở lại sân. |
Giải bóng đá vô địch quốc gia - Eximbank 2014 đã khởi tranh được 1 tháng, trong những hy vọng và cả những phập phồng lo lắng. Sau 2 mùa giải liên tiếp gặp rắc rối, với việc hàng loạt CLB phải giải thể cuối năm 2012 và sự cố XM Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải cuối mùa 2013, V-League đang được chờ đợi sẽ vượt qua được giai đoạn khủng hoảng và trở thành bệ phóng vững chắc cho đội tuyển Việt Nam (tham dự AFF Suzuki Cup 2014) và U23 Việt Nam (Asiad 17).
Nếu không có bất ngờ, đầu tháng 2 này, chuyên gia Tanaka Koji người Nhật Bản sẽ ký hợp đồng với Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), để nắm chiếc ghế Trưởng ban tổ chức V-League 2014. Trong tiến trình cải thiện mô hình phát triển bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam, dù vẫn biết có nhiều chông gai, nhưng chúng ta rất cần sự góp sức của những người có kinh nghiệm, đến từ các nền bóng đá phát triển mạnh như Nhật Bản.
Song song với việc tìm tòi cải tổ bộ máy tổ chức, điều hành V-League, VPF cũng đang nỗ lực xử lý mạnh tay đối với công tác trọng tài - “vấn nạn” luôn gây nhức nhối nhiều năm qua. Tất cả nhằm đảm bảo sự công bằng cho sân chơi, tạo nên sức hấp dẫn cho các cuộc đua và thu hút khán giả tới sân ngày một đông hơn.
Lời chúc thứ tư: U19 trưởng thành hơn
U19 Việt Nam “vỡ” ra được nhiều điều từ Cúp tứ hùng TP Hồ Chí Minh. |
Trong năm 2013, đội tuyển U19 nam Việt Nam, với nòng cốt là các cầu thủ của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG, đã tạo nên một cơn sốt. Họ càng nổi bật giữa những thất bại nặng nề của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại Asian Cup 2015 và U23 Việt Nam tại SEA Games 27.
Giành ngôi á quân Đông Nam Á và vượt qua vòng loại châu Á, ấn tượng lớn nhất về lứa cầu thủ trẻ này là lối chơi đẹp mắt, đầy tính cống hiến - những điều mà đã lâu người hâm mộ không được chứng kiến ở các đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, điểm yếu về kinh nghiệm cọ xát, thể lực và cả lối chơi của U19 Việt Nam đã bộc lộ qua trận chung kết giải vô địch Đông Nam Á (thua Indonesia) và nhất là qua giải tứ hùng tại TP Hồ Chí Minh hồi đầu năm nay.
Bước sang năm Giáp Ngọ, lứa cầu thủ này được kỳ vọng sẽ có một cú bật nhảy ở tầm cao hơn, khi được VFF tập trung đầu tư (tập huấn dài hạn tại Bỉ, Anh). Mục tiêu của U19 Việt Nam là phấn đấu lọt vào tốp 4 tại VCK U19 châu Á tại Myanmar vào tháng 10, cho phép tham dự VCK U20 FIFA World Cup 2015 tại New Zealand. Đồng thời, các cầu thủ xuất sắc trong đội hình này dự kiến sẽ “phục thù” cho bóng đá Việt Nam tại SEA Games 2015 tại Singapore.
Lời chúc thứ năm: Chế độ dành cho VĐV tiếp tục được cải thiện
VĐV được thưởng “nóng” tại SEA Games 27. |
Tuổi nghề của VĐV thường rất ngắn ngủi, quá trình thi đấu thì gắn liền với rủi ro cao về thương tật, trong khi lựa chọn nghề nghiệp của họ sau những năm tháng đỉnh cao cống hiến lại hạn chế, vì thế, bất cứ VĐV nào cũng mong nhận được hỗ trợ về chính sách của Nhà nước ngay từ khi còn thi đấu.
Theo những quyết định gần đây của Chính phủ, các VĐV xuất sắc đã được hưởng chế độ đãi ngộ, chính sách đặc thù về tiền công, tiền thưởng, chăm sóc y tế cao hơn so với trước đây. Mặc dù vậy, việc áp dụng những chính sách này lại thiếu tính liên tục (chỉ trước các sự kiện thể thao lớn, như SEA Games, Asiad hay Olympic) và chỉ dành cho một bộ phận VĐV. Nhiều VĐV đang phải chịu thiệt thòi và cảm thấy bị “phân biệt đối xử”, gây ảnh hưởng tới thành tích thi đấu. Trong khi đó, nhiều gia đình chưa yên tâm cho con em mình đi theo nghiệp thể thao, vì nhìn thấy “đầu ra” khá mông lung.
Hy vọng, năm 2014, một số đề án, chính sách mới dành cho VĐV sẽ đi vào thực tiễn và được triển khai đồng bộ, nhằm thu hút được nhân tài, giúp VĐV ổn định tâm lý và khuyến khích họ giành thành tích cao về cho Tổ quốc.
Song Long