Nén đau, vượt qua chấn thương để rồi đưa lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc lên đỉnh cao nhất tại giải đấu danh giá Challenge Cup Grand Prix Ostrava 2012. Anh là vận động viên thể dục dụng cụ người Hà Nội Nguyễn Hà Thanh, người được gọi là “Ngôi sao sáng muộn”. *
10 năm lận đận Là vận động viên trẻ đầy tài năng từng được Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam , ông Hoàng Vĩnh Giang, đánh giá: “Hà Thanh là vận động viên có tố chất nhất trong đội tuyển nam. Nếu thiên thời nữa thì chắc chắn sẽ có thể vươn ra tầm thế giới”. Thế nhưng, sự may mắn không đến với Hà Thanh trong suốt nhiều năm.
VĐV Hà Thanh. Ảnh: tienphong |
Cứ đến các giải lớn như SEA Games, châu Á, thế giới, vòng loại Olympic thì vận động viên người Hà Nội này lại “dính” chấn thương. Những lúc ấy, dù không tránh khỏi những buồn tủi trước thành công vang dội của các đồng đội, thậm chí đã có lúc nghĩ đến chuyện giã từ thi đấu, song Hà Thanh lại bình tâm, gượng dậy lao vào tập luyện. Quyết tâm ấy được anh dồn nén vào những bài tập có cường độ và độ khó ngày càng tăng cao, đặc biệt là ở đơn môn nhảy chống và xà kép. Với sự hỗ trợ đặc biệt của các thầy, Hà Thanh tập trung rèn giũa liên tục và chuyên biệt theo những bài thi ở đẳng cấp, đòi hỏi ngang ngửa với các đấu thủ hàng đầu thế giới.
Hà Thanh tâm sự: Từ năm 2006-2011 tôi hay gặp các chấn thương rất đáng buồn. Lúc tập luyện thì rất tốt, thi đấu ở các giải nội địa Trung Quốc cũng giành huy chương, cúp vàng, nhưng khi bắt đầu vào giải đấu quan trọng đúng điểm rơi phong độ là “dính” chấn thương. Đôi lúc tôi tự hỏi do vận đen của mình hay do mình nỗ lực chưa đủ... thế là lại nỗ lực hơn nữa.
Mọi nỗ lực ấy được Hà Thanh cụ thể hóa bằng những bài thi đẹp mắt với sự chắn chắn, ổn định ngày càng cao, mà điển hình là tại SEA Games 26. Dẫu còn gặp đôi chút áp lực do ám ảnh về tâm lý, song vận động viên người Hà Nội này đã có một màn trình diễn hoàn toàn vượt trội các đối thủ để đoạt tấm Huy chương vàng nội dung xà kép. Chỉ sau đó 1 tháng, anh tiếp tục khẳng định vững chắc đẳng cấp của mình khi đoạt Huy chương bạc nội dung nhảy chống tại giải quốc tế Nhật Bản mở rộng, với điểm số chỉ thua đối thủ chủ nhà là đương kim Á quân Olympic và thế giới vỏn vẹn 0,050 điểm.
*
Đỉnh cao thế giới Năm 2012 có lẽ là năm thành công rực rỡ nhất của Nguyễn Hà Thanh, đặc biệt là trong 10 ngày cuối tháng 11.
Đến với giải Vô địch thể dục dụng cụ Châu Á lần thứ 5 diễn ra tại Phúc Kiến (Trung Quốc) vào tháng 11/2012 trong vai trò là người "đóng thế" cho đồng đội Phạm Phước Hưng do bị chấn thương, những tưởng đây là sân chơi có phần quá sức với Hà Thanh khi giải đấu này là nơi hội tụ hầu hết các nhà vô địch Olympic và vô địch thế giới. Nhưng rồi năng lượng trong Hà Thanh đã bừng lên, đốt cháy những nỗ lực, khát khao thể hiện mình trong suốt 10 năm lận đận khổ luyện, chịu đựng. Anh đã xuất sắc giành được 1 Huy chương bạc xà kép và 1 Huy chương đồng nhảy chống.
Nhưng cũng ngay tại giải đấu này, “lời nguyền” chấn thương lại tiếp tục là vận đen đeo bám Hà Thanh khi anh dính tiếp một chấn thương. Mà oái oăm là ngay sau đó vài ngày, Thanh lại lên đường hướng đến Ostrava, Cộng hòa Séc để dự Cúp Thể dục dụng cụ Thế giới Challenge Cup Grand Prix 2012. Đây là hệ thống giải quan trọng của Liên đoàn thể dục quốc tế, quy tụ nhiều vận động viên xuất sắc của thế giới nên có tính cạnh tranh cực cao. Đến với giải này, đoàn Việt Nam cũng chỉ nhắm vào 3 đơn môn là: nhảy chống nữ, nhảy chống nam và xà kép.
Song, nén lại cơn đau, Hà Thanh đã thi đấu xuất sắc. Anh đứng đầu từ vòng loại đến chung kết. Ở đợt nhảy vòng loại, Nguyễn Hà Thanh đạt số điểm 15,750, ngang với vận động viên Bart Deurloo (Hà Lan). Ở bài nhảy chung kết, Hà Thanh còn thực hiện cú nhảy hoàn hảo hơn, trong đó lần nhảy đầu tiên đạt số điểm cao đến mức khó tin là 16,350. Ở lần thứ hai, anh bị trừ 0,300 điểm, nhưng cuối cùng vẫn đảm bảo điểm số trung bình sau 2 lần nhảy là 15,875, vượt 0,425 điểm so với người tiếp theo là Marek Lyszczarz (Ba Lan).
Kết thúc giải, Hà Thanh xuất sắc giành 1 Huy chương vàng môn nhảy chống, 1 Huy chương bạc đơn môn xà kép. Đáng ra, vận động viên có gương mặt thông minh với những động tác xà tuyệt đẹp này đáng ra đã có thể đăng quang cả xà kép nếu như có thêm sự tự tin cùng may mắn. Số điểm 15,275 đã khá sát sao thành tích giành Huy chương vàng (15,450) của vận động viên người Ucraine. Nhưng như thế cũng đã quá đủ để giúp Hà Thanh hoàn thành cuộc đột phá ngoạn mục trong 10 ngày để là ngôi sao sáng rực rỡ sau quãng thời gian 10 năm là một người vô danh.
Đánh giá về Nguyễn Hà Thanh, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn thể dục Việt Nam, bà Nguyễn Kim Lan cho rằng: “Thành tích của Nguyễn Hà Thanh thể hiện rõ sự nỗ lực tuyệt vời và cũng thêm một lần nữa khẳng định lại trình độ của Thanh ở đấu trường lớn. Thành công này của Thanh là kết quả cả quá trình phấn đấu, nỗ lực, bền bỉ trước đó ”.
Anh Tùng