Những "người hùng” World Cup nhận tiền thưởng sau... 50 năm

Các cầu thủ Brazil vô địch World Cup 1958, 1962 và 1970 sẽ được nhận một khoản tiền thưởng kèm theo một khoản trợ cấp từ Chính phủ nước này.


Pele với chiếc Cúp Nữ thần vàng năm 1970. Ảnh: fifa.com


Theo thông báo của Bộ Thể thao Brazil, 54 cầu thủ hoặc người thân còn sống của họ sẽ nhận được số tiền thưởng một lần trị giá 100.000 real (49.100 euro) và họ cũng sẽ được trợ cấp mỗi tháng 3.916 real.


Bộ trưởng An sinh Xã hội Brazil, Garibaldi Alves Filho, gọi đây là “một hành động công lý”, thừa nhận vai trò của các tuyển thủ từng vô địch World Cup đối với sự phát triển của đất nước.


Nhiều người Brazil cho rằng các cầu thủ trên đã thúc đẩy sự lớn mạnh của quốc gia trên bản đồ thế giới và họ cũng góp phần biến Brazil thành một cường quốc bóng đá. Nhất là với đội hình năm 1970, nhờ sự xuất hiện của công nghệ truyền hình màu và sự tỏa sáng của những danh thủ như Pele, Jairzinho, Rivelino và Tostao, họ đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của cả thế giới và đội hình này hiện vẫn được xem là một trong những đội hình xuất sắc nhất mọi thời đại.


“Tôi nghĩ rằng nhân dân Brazil đã mang nợ những VĐV này”, Bộ trưởng Thể thao Aldo Rebelo nói, “Họ đã không nhận được lương và những hợp đồng tài trợ như hiện nay. Họ đã đóng vai trò như những người thợ tài năng và đất nước không thể không thừa nhận công sức của họ trong quá trình phát triển”.


Trong khi đó, nhiều cầu thủ nói rằng tiền đã có thể làm thay đổi cuộc sống của họ. Ngoại trừ “Vua bóng đá” Pele, rất ít người trong số họ có một cuộc sống dễ chịu do cầu thủ thời đó không kiếm được nhiều tiền như các ngôi sao hiện nay.


“Khoảng 85% số cầu thủ sống ở mức trung bình hoặc dưới trung bình”, Marcelo Neves cho biết. Marcelo là con trai của cầu thủ từng 2 lần vô địch World Cup, Gilmar, là bây giờ đang là chủ tịch một hội cựu cầu thủ.


“Số tiền trên có thể là sự khác biệt giữa sự sống và cái chết”, Marcelo Neves, tiếp lời, “Felix (thủ môn của đội hình năm 1970, mới qua đời năm ngoái) có thể đã nhận được sự chăm sóc tốt hơn về y tế mà ông đáng được hưởng. Sức khỏe của ông ấy không tốt, nhưng ông ấy đã không được đưa đến những bệnh viện tốt nhất. Nếu có tiền, ông ấy giờ có thể vẫn còn sống”.


Neves cũng bức xúc về việc một số cựu cầu thủ không được nhận tiền trợ cấp đều đặn do bóng đá không được thừa nhận là chuyên nghiệp trong những năm 1960 và họ không được nhận bảo hiểm xã hội: “Phần lớn trong số họ đều đã trên 65 tuổi và khoản tiền này có thể đảm bảo cuộc sống cho họ trong những năm cuối đời”.


Mặc dù vậy, không phải tất cả mọi người đều đồng ý việc các cựu tuyển thủ nhận được khoản trợ cấp đặc biệt, nửa thế kỷ sau khi họ trở thành những “người hùng” của đất nước. “Đây là một cái tát mạnh đối với những người Brazil khác đã phải lao động cật lực mà cũng không đủ sống”, một người được phỏng vấn có tên Atila Nunes nói.


Nunes cho rằng, nếu ai đó có thể giúp đỡ các cựu tuyển thủ thì đó phải là Liên đoàn bóng đá Brazil (CBF), chứ không phải những người đang phải đóng thuế đều đặn hiện nay.


Một số khác lại phản ứng rằng tại sao chỉ có những nhà vô địch mới nhận được tiền trợ cấp. Và tại sao lại chỉ có bóng đá? Vậy các nhà vô địch ở các môn thể thao khác thì sao?


Một cựu cầu thủ cũng đã từ chối nhận tiền, nói rằng trong những năm 1950 và 1960, các cầu thủ bóng đá còn kiếm được nhiều tiền hơn rất nhiều công nhân. “Thời đó, chúng tôi đã được thưởng cho chức vô địch”, Tostao tuyên bố.


Tostao là tiền đạo trong đội hình năm 1970 và hiện là một cây bút có tiếng của tờ Folha de Sao Paulo.



Bảo An(Theo Reuters)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN