Lực sỹ Thạch Kim Tuấn chính là kỳ vọng lớn nhất giành “vàng” cho thể thao Việt Nam tại kỳ Olympic lần này. Đẳng cấp của VĐV sinh năm 1994 luôn được thể hiện ở sân chơi thế giới và châu lục. Anh vô địch nhiều giải thế giới và giành HCB ASIAD 17 tại Incheon (Hàn Quốc). Mới đây vào tháng 11/2015, dù vẫn bị ảnh hưởng bởi chấn thương trước đó, nhưng Kim Tuấn vẫn giành HCĐ tại giải vô địch cử tạ thế giới diễn ra tại Houston (Mỹ). Ở hạng cân 56kg mà mình tham dự, Thạch Kim Tuấn nằm trong nhóm những VĐV mạnh nhất thế giới. Với những tiến bộ trong thời gian qua của Kim Tuấn, giấc mơ “vàng” Olympic của thể thao Việt Nam đang được thắp sáng.
Thạch Kim Tuấn được kỳ vọng sẽ mang huy chương về cho thể thao Việt Nam tại Olympic lần này. Ảnh: TTXVN |
Niềm hy vọng huy chương Olympic nữa cho đoàn Việt Nam tiếp tục được đặt lên vai xạ thủ Hoàng Xuân Vinh sau khi để tuột mất tấm HCĐ một cách đáng tiếc (kém tấm HCĐ 0.01 điểm) ở kỳ Đại hội diễn ra tại nước Anh 4 năm trước. Xuân Vinh đang là xạ thủ sở hữu kỷ lục thế giới và anh cũng là VĐV sớm đoạt vé chính thức tới Brazil. Hiện VĐV quân đội này đang nằm trong tốp những xạ thủ xuất sắc nhất thế giới cùng khát khao cháy bỏng giành một tấm huy chương tại Olympic của anh, chính là niềm tin để anh làm nên kỳ tích tại kỳ Đại hội này.
Qua các lần tham dự Thế vận hội, kể từ lần đầu tham dự tại Moscow (1980) đến nay, Thể thao Việt Nam đã có 8 lần tham dự Thế vận hội. Việt Nam đã từng giành 1 HCB môn taekwondo tại Olympic London năm 2000 do công của nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân, 1 HCB môn cử tạ tại Olympic Bắc Kinh năm 2008 của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn. |
Trong khi đó, Olympic Rio 2016 này gần như sẽ lần cuối cùng mà “cô gái vàng” của làng thể dục dụng cụ Việt Nam Hà Thanh tranh tài ở sân chơi thể thao danh giá nhất thế giới. Giành vé tới Brazil khá muộn khi phải đến tháng 4 vừa qua tại vòng đấu loại trực tiếp của nội dung thể dục dụng cụ diễn ra, cô gái người Hải Phòng mới có tên. Nhưng với thành tích thi đấu quốc tế ấn tượng (2 HCV Cúp thế giới và 3 HCV SEA Games), cùng quyết tâm “cháy hết mình” trên đất Brazil, Hà Thanh cũng được hy vọng sẽ làm nên bất ngờ cho thể thao Việt Nam.
Một biểu tượng khác của nền thể thao Việt Nam là Ánh Viên. Cái đích ban đầu mà cô cùng BHL đội tuyển bơi lội đề ra là lọt vào tốp 8 VĐV xuất sắc nhất thế giới. Tuy nhiên, với tiềm năng to lớn của mình, giới chuyên môn và người hâm mộ luôn kỳ vọng Ánh Viên có thể tạo bất ngờ ở một sân chơi đỉnh cao và khốc liệt như Olympic.
Cơ sở để chúng ta tin tưởng vào Ánh Viên, đó chính là việc cô và BHL đã vạch ra lộ trình chuẩn bị bài bản cho việc chinh phục Olympic, bằng việc chỉ tập trung cho các giải đỉnh cao để tiến hành cọ xát, nâng cao trình độ, cũng như tập trung vào các môn thế mạnh. Thành tích nổi bật nhất của “tiểu tiên cá” tính đến thời điểm hiện tại là HCB ở đấu trường vô địch châu Á và HCĐ tại Asian Games 2014. Ngoài ra, khi tập huấn ở Mỹ, Ánh Viên cũng từng giành HCV và HCB tại các giải bơi chuyên nghiệp. Tuy nhiên, so về trình độ chuyên môn của nữ kình ngư Việt Nam với nhiều quốc gia mạnh trên thế giới như Mỹ, Australia, Hungary, Anh, Nam Phi, Pháp... vẫn còn một khoảng cách đáng kể.
Danh sách các VĐV Việt Nam tham dự Olympic Rio 2016:
Hoàng Quý Phước, Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi); Trần Quốc Cường, Hoàng Xuân Vinh (bắn súng); Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang (cầu lông); Vương Thị Huyền, Trần Lê Quốc Toàn, Hoàng Tấn Tài, Thạch Kim Tuấn (cử tạ); Phạm Phước Hưng, Phan Thị Hà Thanh (TDDC); Nguyễn Thành Ngưng, Nguyễn Thị Huyền (điền kinh); Văn Ngọc Tú (judo); Vũ Thành An, Nguyễn Thị Như Hoa, Nguyễn Thị Lệ Dung, Đỗ Thị Anh (đấu kiếm); Tạ Thanh Huyền, Hồ Thị Lý (rowing); Nguyễn Thị Lụa, Vũ Thị Hằng (vật). |