Mùa hè đầy ắp những bất ngờ trên sân cỏ ở Copa America hay World Cup nữ lại chứng kiến không có cú sốc nào trong cuộc chiến hậu trường FIFA khi Sepp Blatter tiếp tục là người đứng đầu tổ chức điều hành bóng đá thế giới. Trong khi đó, số phận cho những gương mặt thách thức là rất nặng nề.
Cuối tuần qua, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), Mohamed bin Hammam đã chính thức bị FIFA cấm tham gia mọi hoạt động liên quan đến bóng đá trong suốt cuộc đời. Một án “treo giò” vĩnh viễn. Đây có thể xem như là hồi còi khép lại màn tranh chấp quyền lực rùm beng ở FIFA vừa qua. Nhưng cũng rất có thể là sự mở đầu cho một cuộc chiến pháp lý hứa hẹn nảy lửa.
“Tội” lớn nhất của bin Hamman là… thách thức Blatter! Ở cuộc đua giành ghế Chủ tịch FIFA hồi đầu tháng 6 vừa qua, đây là ứng cử viên nặng ký với tham vọng lật đổ quyền lực đã kéo dài hơn một thập kỷ của Blatter. Tuy nhiên, trong một kịch bản ít ai ngờ, ngay trước cuộc bỏ phiếu, bin Hammam cùng Chủ tịch Liên đoàn Bắc, Trung Mỹ và Caribê, Jack Warner bị cáo buộc đưa hối lộ để kiếm phiếu từ các thành viên liên đoàn này. Warner, một cái tên đã từng dính líu vào không ít vụ bê bối trước đây, chọn giải pháp “tự xử” là từ chức, rút khỏi các hoạt động bóng đá. Bin Hammam phản ứng quyết liệt, bác bỏ cáo buộc trên, cử một đoàn luật sư đến Thụy Sĩ bào chữa cho sự trong sạch của mình. Nhưng rút cuộc cuối cùng vẫn bị Ủy ban đạo đức FIFA “treo giò”.
Cuộc “nội chiến” FIFA giữa Sepp Blatter và Mohamed bin Hammam.
|
Warner cùng bin Hammam từng là những đồng minh thân thiết của Blatter. Ngay sau khi phải nhận lệnh cấm trên, bin Hammam công bố một thư riêng từ Blatter được viết vào dịp kỷ niệm tròn 10 năm Blatter nắm quyền Chủ tịch FIFA, trong đó có đoạn: “Mohamed thân mến, nếu không có ông, những điều này không thể thành hiện thực”. Song quan hệ gắn bó đó sớm đổ vỡ khi Blatter bày tỏ ý định muốn tranh cử nhiệm kỳ thứ 4. Bin Hammam bực bội, chỉ trích thẳng thừng đó là kiểu cách “tham quyền cố vị” và bóng đá cần những thay đổi thực sự mà cụ thể là ở vị trí điều hành FIFA.
Việc bin Hammam bị “hất cẳng” khỏi cuộc đua bằng cáo buộc tham nhũng rồi bị cấm vĩnh viễn là một âm mưu hay sự quyết liệt loại bỏ tiêu cực ở FIFA, sẽ chẳng bao giờ có câu trả lời rõ ràng. Bản thân cuộc chiến này cũng chưa thực sự kết thúc. Bin Hammam tuyên bố sẽ kháng án quyết liệt không chỉ trước FIFA mà thậm chí có thể mở rộng ra Tòa án trọng tài thể thao ở Thụy Sĩ. Cũng không loại trừ khả năng vụ ầm ĩ này sẽ còn được đưa ra tòa án dân sự ở Thụy Sĩ, nơi FIFA đặt tổng hành dinh.
Chưa đầy 1 năm đã có tới 8 trong số 24 thành viên Ủy ban điều hành FIFA bị cáo buộc tham nhũng, hối lộ. Trong vòng 8 tháng qua, 4 trong số này (bin Hammam, Warner, Amos Adamu và Reynald Temarri) bị Ủy ban đạo đức của FIFA “treo giò”. |
Không nghi ngờ gì, những kháng án đó sẽ kéo dài nhiều năm trời và có thể gây tiếng xấu cho World Cup 2022, vốn 8 tháng trước được trao quyền đăng cai cho Cata, quê hương của bin Hammam. Đó là quyết định gây nhiều tranh cãi và không ít dư luận cho rằng bin Hammam đã có nhiều “động tác” giúp Cata giành được vinh dự này.
Bất kể thế nào, cuộc “nội chiến” vừa qua gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của FIFA, vốn đã hứng chịu không ít ngờ vực về sự trong sạch. Giới lãnh đạo đấu đá quyền lực ở hậu trường, trên sân cỏ thì nạn dàn xếp tỷ số đang là bóng đen u ám bao trùm. Cần một chiến dịch “làm sạch” từ trên nóc trở xuống. Nhưng đây là “trận đấu” quá khó khăn và không biết bao giờ mới kết thúc.
Trung Sơn