Olympic 2024: Cơn khát huy chương của Thể thao Đông Nam Á

Olympic Paris 2024 đã trôi qua hơn 1/3 chặng đường nhưng chưa có đoàn thể thao Đông Nam Á nào giành được huy chương, tính đến ngày 2/8.

Chú thích ảnh
VĐV Trần Thị Nhi Yến (trái) thi đấu vòng loại của cự ly chạy 100m nữ tại Olympic 2024 ngày 2/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Trái ngược với sự phấn chấn và hứng khởi trước ngày Olympic 2024 khởi tranh cách đây 1 tuần, cơn khát huy chương đang ngày một tăng nhiệt với các tuyển thủ đến từ Đông Nam Á sau mỗi ngày thi đấu trôi qua.

Thống kê cho thấy có tổng cộng 182 VĐV đến từ 11 quốc gia Đông Nam Á góp mặt tranh tài tại Olympic 2024. Thái Lan dẫn đầu với 51 VĐV, tiếp theo là Malaysia (29), Indonesia (26), Singapore (23), Philippines (22), Việt Nam (16), Timor Leste (4), Brunei, Campuchia, Lào đều có 3 VĐV và Myanmar ít nhất với 2 tuyển thủ.

Mục tiêu chuyên môn tại Thế vận hội cũng được mỗi đoàn đặt ra với mức độ khác nhau, nhưng 6 đoàn thể thao thường nằm trong Top đầu tại các kỳ SEA Games gồm Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Singapore, Philippines đều hướng tới mục tiêu giành huy chương. Trong đó, Thái Lan đặt mục tiêu đầy tham vọng với 6 HCV, 3 HCB nhờ thế mạnh ở các môn quyền Anh, Taekwondo, cầu lông, đua thuyền buồm - những môn mà các tuyển thủ "Xứ Chùa vàng" vừa thi đấu rất thành công và tạo đột phá về huy chương tại ASIAD 19.

Malaysia với thế mạnh ở môn nhảy cầu, cầu lông cũng nhen nhóm hy vọng tranh chấp. Indonesia với cử tạ (hạng cân nhỏ), cầu lông, leo núi thể thao cũng đặt mục tiêu giành từ 1 - 2 HCV. Hay Philippines kỳ vọng sẽ có huy chương ở thể dục dụng cụ và điền kinh (nhảy sào); Singapore sau kỳ đại hội gần nhất trắng tay cũng mong muốn giành huy chương.

Dù vậy, từ việc đặt mục tiêu và dự báo, cho đến khả năng thành hiện thực là khoảng cách rất lớn. Đơn cử một ví dụ, Carlos Yulo nhà vô địch thế giới của Philippines và cũng là đại diện duy nhất của Đông Nam Á đã kết thúc phần thi đấu với vị trí thứ 12 ở nội dung toàn năng nam môn thể dục dụng cụ.

Hay ở môn cầu lông, nhà đương kim vô địch châu Á Jonatan Christie và tay vợt từng giành HCĐ Olympic Tokyo - Anthony Sinisuka Ginting của Indonesia cũng đã đều dừng bước ngay từ vòng bảng tại Thế vận hội.

Ngoài ra, 2 ngôi sao quyền Anh của Thái Lan là Thitisan Panmod (hạng 51kg nam) và Jutamas Jitpong (hạng 54kg nữ) cũng đã đều nói lời chia tay với Olympic sau thất bại ở vòng Tứ kết.

Hành trình tại Olympic 2024 vẫn còn nhưng qua kết quả thi đấu, rõ ràng, mục tiêu giành huy chương tiềm ẩn nhiều thách thức với Thể thao Đông Nam Á, ngay cả với những tuyển thủ đã đạt đến đẳng cấp thế giới hay đang là nhà vô địch châu lục.

Cũng từ sân chơi lớn nhất thế giới với tiêu chuẩn tham gia rất cao sẽ giúp các nền thể thao trong khu vực đánh giá chính xác hơn về thực lực sau mỗi chu kỳ đại hội và phần nào bị ảnh hưởng bởi SEA Games với quy mô các cuộc thi đấu nhỏ hơn và thường xuyên biến động về chương trình với nhiều môn nằm ngoài hệ thống Olympic.

Vũ Lê (TTXVN)
Olympic 2024: Giản dị ở nơi đắt đỏ
Olympic 2024: Giản dị ở nơi đắt đỏ

Trong số các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), Pháp thuộc nhóm các quốc gia có chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Đặc biệt, khi so sánh với các nước châu Âu khác như Italy, Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN