Ngày 21/2, các vận động viên Na Uy Johannes Hoesflot Klaebo (ảnh, phải) và Martin Johnsrud Sunby (ảnh, trái) đã giành Huy chương Vàng nội dung trượt tuyết băng đồng nước rút đồng đội tự do dành cho nam tại Olympic PyeongChang 2018. Ảnh: THX/TTXVN |
Thật ra, đó là một chiến thắng sít sao, bởi Na Uy có cùng số HCV với Đức, và chỉ nhiều hơn về số HCB (14-10) cũng như HCĐ (11-7). Chiến thắng càng kịch tính hơn, bởi trong ngày thi đấu cuối cùng, đội tuyển hockey trên băng của Đức đã thua sát nút 3-4 trước Đoàn VĐV đến từ Nga.
Đây là lần thứ 8 trong lịch sử Na Uy giành ngôi nhất toàn đoàn tại Olympic mùa Đông. Tại Olympic lần này, họ thậm chí còn lập kỷ lục về tổng số huy chương giành được, vượt qua mốc 37 huy chương mà đoàn Mỹ lập được ở Vancouver 2010.
Ở Sochi 2014, Na Uy giành được 26 huy chương, ngang thành tích tốt nhất trước đó của họ giành được ở Lillehammer 1994. Bốn năm sau là một bước nhảy vọt với số lượng huy chương gấp rưỡi. Còn trong Top 10 đoàn thể thao giàu thành tích nhất trong lịch sử Olympic mùa Đông, Na Uy tiếp tục dẫn đầu với 132 HCV, 125 HCB, và 111 HCĐ, bỏ xa Mỹ (105 HCV, 110 HCB, 90 HCĐ), và Đức (92 HCV, 88 HCB, 60 HCĐ).
Na Uy tiếp tục chứng tỏ rằng họ là một thế lực bất khả chiến bại trong trượt tuyết băng đồng, khi giành tới 14 tấm huy chương, trong đó có tới 7 HCV. Để so sánh, chỉ riêng thành tích ở môn thể thao này, Na Uy đã tốt hơn thành tích toàn đoàn của đội xếp thứ 7 Hàn Quốc tại Olympic mùa Đông năm nay.
Người hùng trong ngày thi đấu cuối cùng của Na Uy là Marit Bjogen - vận động viên được coi là huyền thoại trong làng trượt tuyết băng đồng thế giới. Ở tuổi 37, Bjoegen vẫn xuất sắc vô địch thể loại trượt tuyết băng đồng 30 km. Với 15 huy chương giành được ở các kỳ Olympic, Bjogen cũng là vận động viên xuất sắc nhất trong lịch sử các kỳ Olympic mùa Đông, và thứ hai tại các kỳ Olympic nói chung. Thành tích của cô chỉ kém mỗi Larisa Latynina, vận động viên thể dục dụng cụ của Liên Xô ở thập niên 50, 60 của thế kỷ trước – với 18 huy chương (9 HCV) tại các kỳ Olympic mùa Hè.
Làm thế nào mà một quốc gia nhỏ bé với vỏn vẹn 5,2 triệu dân lại có thể trở thành một cường quốc thể thao như thế?
Trưởng đoàn Na Uy Tore Ovrebo khẳng định “điều cốt yếu nằm ở tính tổ chức, đó là giá trị, là làm việc chăm chỉ”. Một minh chứng cho tính đồng đội của các VĐV Na Uy là họ đã ở chung phòng với nhau tại khách sạn để tăng cường sự kết nối trong đội, dù hoàn toàn có thể ở mỗi người một phòng. Họ đi ăn bánh tacos với nhau vào mỗi tối thứ sáu như một thông lệ. Ovrebo cũng khẳng định, ông và lãnh đạo đội hoàn toàn không chấp nhận những cái tôi quá lớn. Ông khẳng định: “Đó là một thứ văn hóa đã được chúng tôi phát triển”.
Dù Na Uy là một cường quốc thể thao mùa Đông và đạt đến đỉnh cao ở Pyeongchang, nhưng Ovrebo tiết lộ rằng họ đã trải qua không ít khó khăn mới có thể xây dựng được hệ thống Olympiatoppen – hiểu nôm na là trung tâm đào tạo VĐV đỉnh cao để gặt hái những thành công. Đoàn thể thao Na Uy từng bị coi là nỗi hổ thẹn quốc gia khi xếp sau Thụy Điển ở Olympic mùa Đông Calgary 1988 vì không giành nổi một HCV nào. Nhưng chiến tích ở Lillehammer 1994 (26 huy chương, nhiều nhất từ trước đến lúc đó) trên sân nhà đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ VĐV Na Uy, dù họ chỉ về nhì, sau Nga.
Trong khi đó, VĐV trượt tuyết Leif Kristian Nestvold-Haugen chia sẻ: “Ở các nước khác, những tài năng thường muốn nổi tiếng trong bóng đá, và bóng rổ. Còn hầu hết những người Na Uy muốn trở thành tượng đài ở các môn thể thao mùa đông”.
Nhưng thật ngạc nhiên, rất nhiều người chỉ là những VĐV bán chuyên. Hằng ngày, họ vẫn đi làm những công việc thường nhật khác để nuôi dưỡng giấc mơ Olympic. Theo tiết lộ của trưởng đoàn Ovrebo, trong đoàn thể thao Na Uy có những giáo viên, thợ mộc, và cả thợ ống nước, và các VĐV xứ Vikings sẽ phấn đấu hơn nữa để tìm kiếm những thử thách trong tương lai.