Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Nguyễn Thùy Linh đã xuất sắc thắng lợi 2-0 trước đối thủ Qi Xuefei (Pháp). Trong trận kế tiếp, Nguyễn Thùy Linh sẽ phải đối đầu với tay vợt nữ số 1 thế giới Tai Tzu Ying vào ngày 26/7.
Trong buổi chiều, tin vui đã đến với đội tuyển boxing của Việt Nam ở vòng loại hạng 52-57 kg, võ sĩ Nguyễn Văn Đương đã có chiến thắng nghẹt thở 3-2 trước đối thủ Aliyev Tayfur (Azerbaijan), để đi tiếp vào vòng 1/8 đối đầu với tay đấm người Mông Cổ Ardenebar Tsendbaatar vào ngày 28/7. Đây là lần thứ hai trong lịch sử boxing Việt Nam giành chiến thắng tại đấu trường Olympic sau kỳ tích của võ sĩ Đặng Hiếu Hiền ở Olympic Seoul 1988.
Trong khi đó, VĐV Taewondo Trương Thị Kim Tuyền đã thắng thuyết phục 19-5 trước Yong Yvette, đối thủ cô từng vượt qua cách đây 4 năm. Tuy nhiên, ở trận đấu tứ kết diễn ra sau đó, Kim Tuyền đã để thua trước đối thủ rất mạnh của Thái Lan là Panipak Wongpattanakit với kết quả chung cuộc 11-20, dù có thời điểm đã dẫn trước. Nhờ Panipak Wongpattanakit đoạt vé vào chung kết nên Kim Tuyền có cơ hội thi đấu trận play-off với võ sỹ Irael Avishag Semberg để giành suất vào tranh Huy chương đồng. Tuy nhiên, Kim Tuyền đã để thua đối thủ 1-22 và dừng bước.
Ở nội dung rowing đôi nữ hạng nhẹ, cặp VĐV Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo đã hoàn thành nhiệm vụ với thành tích 7 phút 36 giây 21. Với việc về vị trí thứ 4, đôi VĐV này sẽ tranh tấm vé vớt vào bán kết vào ngày mai 25/7.
Nội dung bắn súng được chờ đợi nhiều nhất với sự góp mặt của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, đang là đương kim vô địch nội dung 10 m súng ngắn hơi nam. Hoàng Xuân Vinh đã có một khởi đầu khá thuận lợi khi liên tục áp sát top 10 sau 30 viên đầu tiên. Đáng tiếc là tại loạt bắn thứ 4, Hoàng Xuân Vinh đã không giữ được sự ổn định của đường đạn và những cố gắng sau đó chỉ mang lại cho anh tổng cộng 573/600 điểm tối đa, xếp hạng 22/36, không thể lọt vào top 8 VĐV có thành tích tốt nhất để thi đấu trận chung kết.
Ở nội dung thể dục dụng cụ, VĐV Lê Thanh Tùng thi hai nội dung của môn thể dục dụng cụ gồm xà đơn và nhảy chống. Ở phần thi đầu tiên, Thanh Tùng thi đấu tốt hơn so với chính mình nhưng số điểm 13,166 không giúp anh có mặt ở chung kết. Ở nội dung thi đấu nhảy chống, Lê Thanh Tùng cũng không có được kết quả thuận lợi khi tiếp đất không tốt ở cả hai lần nhảy. Đồng đội của Thanh Tùng là VĐV Đinh Phương Thành bị đau vai nên chỉ thi đấu một nội dung sở trường là xà kép và đạt 11,833 điểm. Với kết quả khiên tốn trên, cả hai VĐV thể dục dụng cụ của Việt Nam đều đã sớm dừng bước ở Olympic Tokyo 2020.
Tính đến cuối ngày 24/7, đã có tổng cộng 25 đoàn thể thao giành được huy chương tại đại hội thể thao lần này. Trong đó, đoàn Trung Quốc đang dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương tại Olympic Tokyo 2020 với 3 huy chương vàng và 1 huy chương đồng. Người đầu tiên mang về tấm huy chương vàng cho đoàn thể thao Trung Quốc là nữ vận động viên bắn súng Yang Qian ở nội dung súng trường hơi nữ, cũng là tấm huy chương vàng đầu tiên của Olympic Tokyo 2020. Đứng ngay sau đoàn Trung Quốc là đoàn thể thao nước chủ nhà với 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc. VĐV Naohisa Takato đã mang về tấm huy chương vàng đầu tiên cho đoàn thể thao Nhật Bản ở nội dung Judo hạng 60kg.
Đứng ở vị trí thứ 3 là Hàn Quốc với 1 huy chương vàng và 2 huy chương đồng. Tiếp đó vị trí thứ 4 và thứ 5 lần lượt thuộc về đoàn thể thao Ecuardor và Hungary khi mỗi nước này giành được 1 huy chương vàng.
Trong ngày thi đấu chính thức thứ 2 của Olympic Tokyo 25/7, Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục tranh tài ở các nội dung sau Bơi, Judo, Taekwondo, Bắn cung, Cử tạ, Boxing, Rowing, Thể dục dụng cụ, Bắn súng.