Hãng tin Jiji Press dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết khán giả có thể sẽ không được phép tới sân theo dõi lễ khai mạc và bế mạc Olympic, các trận đấu bóng đá, bóng chày và các môn thể thao khác được tổ chức ở các sân vận động lớn cùng với các nội dung thi đấu vào buổi tối.
Theo dự kiến, các quan chức của Chính phủ Nhật Bản, Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo và ba cơ quan liên quan khác sẽ nhóm họp vào ngày 8/7 tới để đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.
Cùng với việc hạn chế khán giả tới sân theo dõi trực tiếp, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ gia hạn thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 trọng điểm ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận gồm Saitama, Chiba và Kanagawa khi nhũng biện pháp này hết hạn vào ngày 11/7.
Trong hơn một tuần qua, tình hình dịch bệnh ở Tokyo đang có chiều hướng xấu đi. Ngày 4/7, thành phố này ghi nhận thêm 518 ca mắc mới, tăng 132 ca so với một tuần trước đó, trong khi số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch tăng lên 51 người. Số ca mắc mới bình quân ở Tokyo trong tuần từ 28/6 đến 4/7 là 582 ca/ngày, tăng 21,9% so với một tuần trước đó.
Trong bối cảnh đó, vào cuối tháng 6, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura, người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản, đã nói bóng gió về khả năng tái ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và một số khu vực khác, nơi dịch COVID-19 có dấu hiệu tái bùng phát. Phát biểu trong một chương trình truyền hình, ông nói “Nếu cần, chúng tôi sẽ không ngần ngại ban bố tình trạng khẩn cấp và sẽ linh hoạt trong việc ban bố tình trạng khẩn cấp ở các khu vực đang áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm”.
Hiện thủ đô Tokyo và 6 tỉnh khác của Nhật Bản đang nằm trong phạm vi áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm, theo đó thống đốc các tỉnh, thành này có thể áp đặt các biện pháp hạn chế tương tự như khi ban bố tình trạng khẩn cấp, nhưng bớt khắc nghiệt hơn.