Mỹ là một trong số 14 đoàn thể thao tham dự đủ 15 kỳ Paralympic, bên cạnh Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Italy, Australia, Hà Lan, Israel, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ireland, Bỉ, Áo, và Argentina. Họ đang dẫn đầu về tổng số huy chương (2.183) cũng như số huy chương vàng (773). Trong bảng vàng này, Trung Quốc chỉ đứng thứ 4, nhưng điều đáng chú ý là họ chỉ có 9 lần tham dự.
Năm 1984, Trung Quốc là 1 trong 5 nước Xã hội Chủ nghĩa không tẩy chay Paralympic (bên cạnh Đông Đức, Hungary, Ba Lan, và Nam Tư). Họ lần đầu tham dự sự kiện này với 24 VĐV và chỉ giành 2 HCV. Tại Seoul 1988, con số này là 16 HCV.
Đến Barcelona 1992, lần đầu tiên Trung Quốc lọt vào Top 10 trên bảng tổng sắp huy chương. Thứ hạng của họ tăng dần ở Atlanta 1996 (hạng 9), Sydney 2000 (hạng 6), trước khi leo lên số một ở Athens 2004. Kể từ đó đến nay, đoàn thể thao người khuyết tật Trung Quốc đã có 4 kỳ liên tiếp chiếm vị trí số một trên bảng xếp hạng huy chương Paralympic. Tại Rio 2016, họ là đoàn đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 100 HCV (107) tại một kỳ Paralympic
Tại Paralympic 2020, Trung Quốc tiếp tục tham dự với số lượng đông đảo, bao gồm 255 VĐV (136 nữ, 119 nam) ở 21 môn thể thao. Con số này chỉ kém một chút so với Brazil (258) và chủ nhà Nhật Bản (260). Giới chuyên môn hầu như đều đánh giá Trung Quốc sẽ lần thứ 5 liên tiếp nhất toàn đoàn.
Đoàn thể thao người khuyết tật Trung Quốc rất đa dạng về độ tuổi. Niềm hy vọng Jiang Yuyan - biệt danh “cá bay” - là em út của đội và sẽ có kỳ Paralympic đầu tiên trong đời khi mới 16 tuổi. Nhưng hai năm trước, cô bé này đã giành 5 tấm huy chương ở giải vô địch thế giới dành cho người khuyết tật (3 HCV, 2 HCB).
“Mọi thành viên trong đội tuyển Trung Quốc, những người anh và chị của tôi, đều thật tuyệt vời. Là một đại diện của thế hệ mới, tôi cảm thấy mình sẽ phải nỗ lực hết sức để có thể theo bước chân họ, để tiếp quản chiếc áo của họ”, Jiang chia sẻ. Cô chắc chắn có những đồng đội đẳng cấp ở xung quanh để tạo cảm hứng. Các kình ngư từng giành huy chương ở Paralympic tại Rio 2016 như Zhang Li, Cheng Jiao, Song Lingling, Li Guizhi, Feng Yazhu, Xu Jialing và Lu Dong đều trở lại.
Trong khi đó, VĐV cao tuổi nhất của đoàn Trung Quốc tại Paralympic lần này là Zhao Ping - tay vợt bóng bàn từng giành HCB ở Paralympic Bắc Kinh 2008, và HCV ở London 2012, Rio 2016 ở hạng C1. Và nhắc đến bóng bàn thì không thể không nhắc đến Mao Jingdian, HCV đơn nữ hạng C8 ở London 2012 và Rio 2016. Cô đang hướng tới tấm HCV Olympic thứ ba liên tiếp ở nội dung này.
Trung Quốc đạt nhiều hy vọng ở môn cầu lông và điền kinh. Đang đứng ở ngôi số một thế giới, Qu Zimo là một trong những tay vợt cầu lông đáng chú ý nhất ở Paralympic. Chàng thanh niên tuổi teen này đã có một năm 2019 đầy cảm xúc khi trở thành nhà vô địch đơn nam thế giới ở hạng WH 1 và đôi nam WH 1-2. Anh kết thúc năm với 3 tấm HCV trước đám đông khán giả nhà.
Liu Yutong, 17 tuổi, cũng đang mơ tấm HCV Paralympic ở môn cầu lông. Mặc dù còn trẻ nhưng Liu đã gây dựng tên tuổi của mình khi vô địch cả nội dung đơn và đôi tại giải vô địch thế giới 2019 diễn ra tại Basel, Thụy Sĩ. “Mọi VĐV đều mơ ước giành HCV Paralympic. Mục tiêu của tôi cũng thế, nhưng hoàn toàn không có chuyện dễ dàng chỉ vì tôi đã giành chức vô địch thế giới”, Liu tỏ ra đầy khao khát, nhưng cũng rất thận trọng.
Nhưng điền kinh mới thực sự là mỏ vàng của đoàn thể thao Paralympic Trung Quốc, khi họ đã thu về tới 377 tấm huy chương. Ở Tokyo, Zhou Xia sẽ bảo vệ hai tấm HCV ở nội dung 100m và 200m nữ hạng T35. Trong khi đó, Liu Cuiqing là ứng viên nặng ký ở các nội dung 100m, 200m, 400m hạng T11.
Ngoài ra, cần phải kể thêm những nhà đương kim vô địch ở nội dung 400m T47 (Li Tu), 200m T36 (Shi Yiting), và nhảy cao T37 (Wen Xiaoyan). Đặc biệt, nhà vô địch chạy tiếp sức ở Rio 2017 là Li Yingli năm nay đã thử sức ở nội dung ném tạ và ném đĩa.