"Braxin sẽ học hỏi những kinh nghiệm từ Olympic Luân Đôn 2012 để tổ chức Thế vận hội 2016 ở Rio de Janeiro (Braxin), tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ làm theo cách riêng của mình", Bộ trưởng thể thao Braxin, ông Aldo Rebelo, đã tuyên bố như vậy.
Thừa nhận rằng đó sẽ là một khối lượng công việc khổng lồ, nhưng ông Aldo Rebelo cũng khẳng định, Braxin - giống như Luân Đôn, sẽ không làm người hâm mộ thất vọng.
Nước Anh đã chi 9,3 tỉ bảng (14,6 tỉ USD) để tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này. Và họ đã được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đánh giá rất cao. Về vấn đề này, ông Aldo Rebelo khẳng định: Luân Đôn đã thiết lập một tiêu chuẩn mới, nhưng ông cũng tự tin rằng Braxin cũng sẽ thành công. “Luân Đôn có lẽ là nơi tuyệt nhất”, ông nói. “Tôi tin rằng Olympic ở đây sẽ được tổ chức rất tốt với cơ sở hạ tầng tuyệt vời. Điều đó có thể là ví dụ cho chúng tôi ở Braxin. Những sự kiện như thế này đều là thách thức rất lớn. Braxin sẽ học hỏi mô hình từ Luân Đôn. Chúng tôi cùng rút kinh nghiệm từ Bắc Kinh, nhưng chúng tôi cũng sẽ có những "bản sắc" riêng của Braxin và của Rio de Janeiro”.
Năm 2011, những vụ bê bối chính trị đã dẫn tới việc cựu bộ trưởng thể thao Braxin, Orlando Silva, phải từ chức. Điều này đã làm dấy lên lo ngại về khả năng đáp ứng tiến độ của Rio từ IOC. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát mới đây của ủy ban kiểm tra của IOC tại Rio, thì "các nhà tổ chức Braxin đã tiến được những bước dài”. Tuy nhiên, họ cũng đưa ra cảnh bảo rằng thời gian "không chờ đợi".
“IOC có lý khi đòi hỏi các công tác xây dựng phải khẩn trương hơn”, Rebelo nói. Ông khẳng định sẽ theo dõi sát sao cách thức Luân Đôn đối phó với những vấn đề giao thông và thông tin liên lạc trong kỳ Thế vận hội này. “Họ đã đảm bảo mọi việc được hoàn thành trước Thế vận hội”.
Tuy nhiên, Breno Ferreira - một sinh viên Braxin đang du học tại Anh, đã bày tỏ lo ngại về khả năng thành công của quê hương anh. “Mọi người nói về tình trạng giao thông tồi tệ ở Luân Đôn và than phiền rất nhiều, nhưng tôi thấy ở đây tốt hơn nhiều so với Rio”, Ferreira nói. “Ở Luân Đôn tôi có thể đi lại ngoài đường không chút sợ hãi, nhưng tại Rio giao thông và an ninh không tốt. Chúng tôi vẫn còn nhiều thứ phải cải thiện”.
Còn Rebelo, một thành viên đảng Cộng sản, từng làm việc dưới thời chính phủ cánh tả của cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva của Braxin, lại hy vọng rằng, giống như Olympic Luân Đôn 2012, Olympic tại Rio de Janeiro năm 2016 sẽ rất có ích cho xã hội Braxin. “Điều quan trọng là những gì để lại, về vật chất, xã hội và các giá trị tinh thần, những thứ không đo đếm được”, ông nói. “Chúng tôi muốn thế giới thấy Braxin là một nước cân bằng giữa phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội”. Ở một đất nước mà bóng đá được coi là tôn giáo, Rebelo nói, ông cũng muốn người dân Braxin để mắt hơn tới các môn thể thao khác.
TUỆ MINH