Theo phóng viên TTXVN tại Italy, tham gia giải đấu International Vovinam Cup 2022 - Grandmaster Nguyễn Văn Chiếu, được tổ chức trong các ngày 10 - 11/12 có 7 đoàn đại diện cho các hiệp hội Vovinam Việt Võ Đạo tại Italy, Pháp, Đức, Bỉ, Romania, Tây Ban Nha và Việt Nam, với khoảng 100 vận động viên, minh chứng cho sức sống, sự thuyết phục của Vovinam cũng như của những giá trị truyền thống của văn hóa, lịch sử Việt Nam. Những màn thi đấu và biểu diễn đầy tinh thần thượng võ, hấp dẫn và sôi động khiến những người tham dự như được chìm vào bầu không khí lễ hội tại Việt Nam.
Phát biểu tại giải đấu International Vovinam Cup 2022 - Grandmaster Nguyễn Văn Chiếu, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng đã hoan nghênh Liên đoàn Việt Võ Đạo thế giới đã có những nỗ lực to lớn trong việc tổ chức, quảng bá Võ thuật Việt Nam ra thế giới trong những năm qua và Hiệp hội Vovinam Việt Võ Đạo Italy đăng cai tổ chức sự kiện đặc biệt này.
Theo Đại sứ, võ thuật Việt Nam là niềm tự hào lịch sử của dân tộc, thể hiện tinh thần võ đạo, giá trị nhân văn và bản sắc văn hóa, đó là lấy nhân nghĩa chống bất nhân, lấy nghĩa chống bất nghĩa, và đang được lan tỏa khắp thế giới. Đại sứ vui mừng khi thấy môn phái Vovinam phát triển mạnh sau 86 năm phát triển, trưởng thành, với trên 2 triệu môn sinh tại trên 60 quốc gia trên thế giới.
Đại sứ Dương Hải Hưng cũng đã tham gia trao giải cho các vận động viên có thành tích cao.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Luca Marzocchi, Chủ tịch Hiệp hội Vovinam Việt Võ Đạo Italy, nói: “Vovinam đã có mặt tại Italy cách đây gần 30 năm. Vovinam thu hút người dân Italy, với các môn sinh trong độ tuổi từ 5 đến 60 tham gia tập luyện vì đây là một môn võ rất hoàn chỉnh, khác biệt các môn võ khác, đồng thời giàu tính biển diễn song không phức tạp. Trong những năm gần đây, bất chấp quãng thời gian gián đoạn do đại dịch COVID-19, chúng tôi đã cùng nỗ lực để đưa Vovinam đến với giới trẻ, đặc biệt là trong các trường học, thông qua các hoạt động xúc tiến, tổ chức biểu diễn. Trong thời gian tới, việc dạy học và phát triển các trung tâm đào tạo Vovinam sẽ được mở rộng không chỉ ở khu vực miền Bắc Italy, nơi đã có số lượng lớn người tập, mà còn đến các vùng miền khác của Italy. Hơn nữa, Việt Nam còn là đất nước đang ngày càng phát triển trong những năm gần đây, với nền văn hóa rất cuốn hút. Do đó, thông qua tập luyện Vovinam, chúng tôi có điều kiện tìm hiểu về truyền thống văn hóa của Việt Nam sâu hơn”.
Trong khi đó, Festival võ thuật cổ truyền tưởng niệm Võ sư Lưu Văn Trọng của môn phái Bình Định Sa Long Cương, được tổ chức tại thị trấn Trementino, thành phố Novara ngày 11/12, lại thu hút những người tham dự với các màn thi đấu song luyện, cả vũ trang và tay không, cùng với biểu diễn quyền, múa lân.
Môn phái Sa Long Cương là một trong những môn phái võ cổ truyền của Việt Nam, được thành lập, phát triển từ năm 1964, dựa trên những bài võ Bình Định cổ truyền được lưu truyền từ thời vua Quang Trung. Ngoài Việt Nam, môn phái Sa Long Cương được quảng bá, truyền dạy ở nhiều quốc gia, trong đó nổi bật là Italy, Canada, Pháp, Mỹ. Võ sư Lưu Văn Trọng là người có công lớn trong việc giới thiệu, quảng bá môn phái này tại Italy từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Phát biểu tại Festival, Đại sứ Dương Hải Hưng nhấn mạnh rằng sự kiện này là dịp để “chúng ta nhìn lại quãng đường phát triển môn phái Sa Long Cương tại Italy cũng như tưởng nhớ vị trưởng môn đầu tiên tại Italy nhân dịp tròn 10 năm ngày mất của ông. Đây cũng là minh chứng rõ nhất cho sức sống, sự thuyết phục của môn phái Sa Long Cương cũng như của những giá trị tốt đẹp mà chúng ta cùng chia sẻ”.
Đại sứ Dương Hải Hưng cũng bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến tất cả những người tham dự Festival bởi tình yêu dành cho Việt Nam, bởi những nỗ lực học tập và quảng bá võ cổ truyền tại Italy, góp phần gìn giữ, bảo tồn sự tinh túy, hồn cốt, thần thái cao đẹp và cả sự uyên bác, oai hùng từ ngàn đời của võ cổ truyền Việt Nam.
Võ cổ truyền Việt Nam là di sản văn hóa quý báu, là niềm tự hào lịch sử, luôn đồng hành với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Võ cổ truyền Việt Nam thể hiện tinh thần võ đạo, giá trị nhân văn và bản sắc dân tộc được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những giá trị đó đang được lan tỏa khắp thế giới, được ngưỡng mộ vì không chỉ dạy tinh thần thể thao chiến đấu, rèn luyện sức khỏe mà trước hết là những giá trị đầy nhân văn, đạo lý tôn sư trọng đạo, tính khiêm nhường, nghĩa hiệp. Trong những năm qua, võ cổ truyền Việt Nam đã phát triển tại gần 70 quốc gia, trong đó tại Italy có khoảng 40 môn phái, võ đường với trên 5.000 môn sinh, thể hiện tình cảm của người dân Italy đối với Việt Nam.