Sau 14 năm lại là chủ nhà của một kỳ SEA Games và với tiềm lực của mình, Inđônêxia tổ chức kỳ Đại hội có quy mô thi đấu lớn nhất trong lịch sử dài hơn nửa thế kỷ. Chỉ có điều, cái sự "phình to" ấy dường như chẳng hề đồng nghĩa với sức phát triển của sân chơi thể thao khu vực.
SEA Games - ngày hội lớn nhất của thể thao Đông Nam Á - ý nghĩa lớn ấy thì vẫn chẳng thể thay đổi và nó phù hợp với tiêu chí chung của cả khu vực ASEAN. Tuy nhiên, với các sân chơi có chu kỳ tổ chức quá nhanh (2 năm/lần) và trên thực tế, sức tác động của nó với sự phát triển chung của thể thao khu vực vẫn còn là dấu hỏi, thì xu hướng "bình dân" hóa là hiện hữu. Bắt đầu với Thái Lan vào năm 1995 khi không tổ chức SEA Games 18 tại thủ đô như thông lệ mà đưa về Chiang Mai và lặp lại với SEA Games 24 năm 2007 ở Nakhon Ratchasima, thì trong lần làm chủ nhà thứ 4 này, Inđônêxia cũng đưa SEA Games 26 về tổ chức chính ở Palembang (thủ phủ tỉnh Nam Sumatra).
TTVN lên đường với mục tiêu đứng trong top đầu. |
Việc đưa SEA Games... về tỉnh! Thực ra chẳng có gì đáng bàn nếu vẫn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí tổ chức Đại hội thể thao cấp quốc tế và xét cho cùng, thì bên cạnh nghĩa vụ với cả nền thể thao khu vực, đây còn là cơ hội để thúc đẩy sự phát triển của chính nền thể thao của nước chủ nhà. Inđônêxia cũng không phải là ngoại lệ, nếu không có sự chuẩn bị quá cập rập và chậm chạp tại Palembang - nơi sẽ diễn ra Lễ khai mạc, bế mạc cùng nhiều môn thi trong chương trình thi đấu của SEA Games 26.
Cho tới thời điểm này, khi các cuộc tranh tài môn bóng đá diễn ra và chỉ vài ngày nữa ngọn lửa SEA Games 26 sẽ bùng cháy tại cảng Kuto Besak trên sân Musi River của thành phố Palembang thì cái được nhắc nhiều đến chẳng hề liên quan tới "những cuộc thi đấu, những tấm huy chương" mà chuyện ăn, chuyện ở của các đoàn thể thao hay giới báo chí tham dự đại hội (theo con số ban đầu mà BTC SEA Games thông báo có hơn 1.500 thành viên thuộc 11 quốc gia trong khu vực tham dự đại hội cùng 3.000 nhà báo, chưa kể khách du lịch).
Ngoại trừ các môn thi đấu tại thủ đô Giacácta không gặp khó khăn về việc này, thì ở Palembang, đến lúc này nhiều công trình thi đấu, làng VĐV, trung tâm báo chí... còn đang được hoàn thiện. Thậm chí, phương án thuê tàu quân sự làm nơi ở cho các đoàn đã được tính tới và rất may là không thành khi BTC địa phương kiếm đủ phòng ở các khách sạn. Cũng ảnh hưởng từ quá trình chuẩn bị này, lịch thi đấu và địa điểm tổ chức hàng loạt môn thi đã phải thay đổi, điển hình với trường hợp của môn bóng đá nam khi chuyển hết về tổ chức tại Giacácta với nhiều lần xáo trộn thời gian thi đấu.
Cuối cùng là những cuộc tranh tài tại SEA Games 26. Với việc đưa vào khoảng 10 môn mang tính giải trí, không có mặt trong hệ thống thi đấu ASIAD, Olympíc và chiếm khoảng 120 trong tổng số 545 bộ huy chương cho các nội dung của 42 môn thi đấu, đã khiến kỳ SEA Games này trở nên khó dự báo hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, với lợi thế chủ nhà cùng thành phần đông đảo nhất (hơn 1.000 VĐV tranh tài ở tất cả các môn), theo tính toán ban đầu của giới chuyên môn trong khu vực, Inđônêxia chắc chắn sẽ đứng ngôi đầu với trên 150 HCV. Thể thao Thái Lan đang gặp nhiều khó khăn với cơn lụt lịch sử nhưng cũng chắc suất với ngôi thứ nhì khi đưa ra mục tiêu có 125 HCV. Cũng theo giới chuyên môn, đưa ra chỉ tiêu giành 70 HCV trở lên để đứng trong tốp đầu Đại hội, nhưng đoàn Thể thao Việt Nam hoàn toàn đủ sức đứng ở vị trí thứ 3 trong khi thứ 4 sẽ là cuộc đua tranh giữa Malaixia và Philíppin.
Tóm lại, thêm một kỳ SEA Games nữa lại đến và bất chấp quy mô tổ chức thi đấu kỷ lục, thì bức tranh thể thao Đông Nam Á cũng sẽ chẳng có nhiều biến động lớn. Vấn đề là ai sẽ biết tận dụng được những cuộc tranh tài ở quy mô cái "ao làng" này làm bàn đạp để hướng tới mục tiêu khác lớn hơn hay không mà thôi. Bằng không... thi đấu xong, tất cả lại về!
Hoàng Hà