Từ ngày khởi tranh, không có một "cơn mưa vàng" thực sự do đội tuyển quốc gia điền kinh tạo nên ở SEA Games 32, mà thay vào đó là những khoảnh khắc chờ đợi khá "sốt ruột" ở từng phần thi đấu. Điều này bắt nguồn từ nhiều lý do, nhưng thực tế cho thấy, ngoại trừ sức cạnh tranh từ các đối thủ, sự thiếu hụt về lực lượng và không xuất hiện những nhân tố mới là nguyên nhân khiến vị thế của điền kinh và bơi Việt Nam đang có dấu hiệu lung lay.
Ở môn điền kinh, sự cố doping từ SEA Games 31 đã khiến 4 nhà vô địch vắng mặt và để lại ít nhiều khoảng trống trong đội hình và giảm sức cạnh tranh HCV ở những nội dung vốn là thế mạnh. Bên cạnh đó, những bất ngờ trong thi đấu cũng đã xuất hiện, điển hình như việc Nguyễn Thị Huyền không thể bảo vệ tấm HCV ở nội dung 400m nữ mà "chân chạy" người Nam Định đã sở hữu ở 4 kỳ SEA Games kể từ năm 2015.
Rất nhiều khó khăn từ khách quan cũng đã xuất hiện, như việc lịch thi đấu thay đổi, điều chỉnh vào phút chót làm xáo trộn sự chuẩn bị chuyên môn. Điển hình như việc Nguyễn Thị Oanh phải thi đấu nội dung 1.500m nữ và 3.000m vượt chướng ngại vật trong vòng 20 phút. Nếu VĐV người Bắc Giang không có sự cố gắng để làm nên điều phi thường trong chiều tối 9/5, rất có thể, cơ hội giành HCV sẽ lại trôi qua.
Nói như vậy để thấy, các cuộc thi đấu ở SEA Games tiềm ẩn rất nhiều khó khăn và đòi hỏi các tuyển thủ cần sẵn sàng tâm thế để vào cuộc chủ động trong 2 ngày thi đấu cuối cùng (11 và 12/5). Chỉ tiêu của đội tuyển điền kinh ở SEA Games 32 là giành từ 14 đến 18 HCV nhưng kết thúc ngày 10/5, toàn đội mới đem về 7 HCV, 16 HCB, 6 HCĐ ở 30 nội dung đã thi đấu tại đại hội.
Rất cần những nỗ lực bứt phá để làm nên bất ngờ như trường hợp của Huỳnh Thị Mỹ Tiên (nội dung 100m rào nữ) hay Nguyễn Trung Cường (3.000m vượt chướng ngại vật nam) trong ngày 9/5, dù thất bại của các nhà đương kim vô địch cũng chính là đồng đội của họ ở đội tuyển quốc gia Việt Nam. Bởi chỉ có sự bứt phá, mới đủ khả năng giúp đội tuyển điền kinh tạo nên cú nước rút để vượt qua Thái Lan (hiện đã giành 12 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ) để bảo vệ ngôi đầu ở môn "thể thao nữ hoàng" tại SEA Games 32.
Môn bơi bước vào ngày thi đấu cuối cùng ở SEA Games 32 trong ngày 11/5 và cũng thắp lên thêm những hy vọng cho các "kình ngư" Việt Nam. Ở 6 cuộc thi đấu cuối cùng, cơ hội giành thêm ít nhất 2 tấm HCV để hoàn thành chỉ tiêu giành từ 8-10 HCV vẫn rộng mở, nhưng cũng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các "kình ngư", đặc biệt là chủ lực Nguyễn Huy Hoàng và Phạm Thanh Bảo.
Nguyễn Huy Hoàng sẽ phải bảo vệ tấm HCV ở nội dung 400m tự do, 200m bướm từng giành được nhưng với rất nhiều áp lực, khác biệt hoàn toàn với thời điểm SEA Games 31. Một năm trước đây, chiến thắng của Huy Hoàng ở 2 nội dung này là điều nằm trong dự báo khi thành tích trong tập luyện rất khả quan và lịch thi đấu thuận lợi. Dù vậy, tại SEA Games 32, Huy Hoàng sẽ thi đấu chung kết nội dung 200m bướm và chỉ được nghỉ hồi phục ít phút sẽ thi đấu chung kết 400m tự do. Rất nhiều nguy cơ đang hiện hữu nếu Huy Hoàng phải dốc sức để bảo vệ cả 2 tấm HCV và điều người hâm mộ chờ đợi là được chứng kiến "kình ngư" Quảng Bình tái hiện thành tích không tưởng như của Nguyễn Thị Oanh trên "đường đua xanh".
Hy vọng giành HCV còn được đặt vào Phạm Thanh Bảo ở nội dung 50m ếch khi "kình ngư" này đang là nhà đương kim vô địch ở SEA Games. Trước giờ vào cuộc, Thanh Bảo đang là tâm điểm sự chú ý ở đội tuyển bơi với kỷ lục mới thiết lập ở nội dung 200m ếch trong tối 10/5 với thành tích 2 phút 11 giây 45. Trước đó, anh cũng đã bảo vệ thành công tấm HCV ở nội dung 100m ếch. Những yếu tố thuận lợi về tâm lý được kỳ vọng sẽ giúp Thanh Bảo có phần thi đấu bùng nổ ở nội dung thi đấu cuối cùng của riêng mình ở SEA Games 32.