Thành lập Công ty CP bóng đá Việt Nam VPF:Có giải quyết tận gốc?!

Dự kiến cuối tuần này, LĐBĐ Việt Nam mới nộp đơn xin cấp phép thành lập Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam VPF. Ngày 29/11 hoặc đầu tháng 12, đại diện các CLB sẽ ra Hà Nội để ký vào điều lệ công ty, cũng như họp bàn với ban trù bị việc chuẩn bị cho công ty ra đời. Trong tháng 12 này, công ty quản lý bóng đá này sẽ phải ra mắt để kịp thay mặt LĐBĐVN điều hành V - League và giải hạng Nhất mùa giải mới.

Hôm qua, LĐBĐVN đã có buổi làm việc nội bộ với HLV Falko Goetz để bàn về thất bại ở SEA Games 26. Không rõ các bên đã thảo luận ra sao nhưng có thể hiểu nguyên nhân sâu xa có phần lỗi rất lớn từ những người quản lý bóng đá. Thất bại của đội U23 Việt Nam vừa qua đã một lần nữa khẳng định những tồn tại trong cách điều hành của VFF. Những bất hợp lý ở các giải đấu quốc nội đã trực tiếp làm giảm sức mạnh của các đội tuyển quốc gia. Việc thành lập công ty quản lý VPF được hi vọng sẽ cải thiện việc điều hành nền bóng đá Việt Nam, trước mắt là V - League và giải hạng Nhất.

Đổ hết lỗi cho HLV F.Goetz là điều không nên làm lúc này. Theo dõi V - League và xem đội U23 Việt Nam đá, người hâm mộ hiểu vấn đề của đội không chỉ do những hạn chế của HLV F.Goetz. Ông Chủ tịch CLB Hà Nội Nguyễn Đức Kiên, người tiên phong trong việc thành lập VPF đã thẳng thắn chỉ ra hạn chế của LĐBĐVN. Trong đó, phải nghiêm túc nhìn nhận lại công tác đào tạo trẻ khi nhiều hoạt động chưa được triển khai quyết liệt. Từ gốc rễ, đó là kết quả của một quá trình dài làm việc không có khoa học và những sự bất hợp lý của LĐBĐVN. Một nền bóng đá phát triển "phần ngọn" thì gặp phải những khủng hoảng như thời gian gần đây cũng là điều dễ hiểu.

Tại cuộc họp mới đây, ban trù bị thành lập công ty đã ra quyết định đầu tiên về việc sẽ hạn chế số cầu thủ ngoại ở các CLB. Cụ thể, từ năm 2013, mỗi CLB ở V - League chỉ được đăng ký 3 cầu thủ ngoại và mỗi trận được đưa vào đội hình thi đấu 2 người. Ngoài ra, để tạo thêm cơ hội rèn luyện cho các cầu thủ trẻ, nhiều khả năng tại giải hạng Nhất QG sẽ không đội bóng nào được sử dụng cầu thủ nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc không còn nhiều cơ hội cho các cầu thủ ngoại đang hướng tới Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi áp dụng quyết định này, để "lách luật" các CLB sẽ đua nhau nhập tịch cho các ngoại binh. Do đó, nếu không biết cách quản lý dứt điểm, bản thân V - League sẽ phát sinh những tiêu cực mới.

Theo dự trù, trong Hội đồng quản trị của VPF, VFF là cổ đông lớn nhất và có quyền giới thiệu tối đa 3 thành viên tham gia, các CLB dự kiến giới thiệu 5 người. Tuy nhiên, có một câu hỏi đặt ra: Ba thành viên của VFF sẽ gồm những ai, khi mà những cá nhân phải có trách nhiệm sau thất bại của U23 Việt Nam chưa được làm rõ, rất có thể họ lại tiếp tục ngồi vào ghế của VPF. Việc thành lập VPF là rất cần thiết và kịp thời cho mùa giải mới. Tuy nhiên, công tác vận hành tổ chức này phải được quy định chặt chẽ để không rơi vào tình trạng... "bình mới rượu cũ".

Thanh Lâm

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN