Trong năm 2013, đích ngắm của thể thao Việt Nam là SEA Games 27. Tuy nhiên, điều mà người hâm mộ chờ đợi nhiều nhất lại là bóng đá, sau một năm mà sân chơi chuyên nghiệp đã chứng kiến những biến động mạnh và đội tuyển thì thi đấu bết bát ở sân chơi khu vực.
Bóng đá nam Việt Nam có cơ hội làm lại tại SEA Games 27. |
Thể thao Việt Nam đã gặt hái được những thành tích ấn tượng trong năm 2012, mà đỉnh điểm là 18 suất chính thức tham dự Olympic ở 5 môn cơ bản (điền kinh, bắn súng, bơi, TTDC, cử tạ). Cho dù không giành được tấm huy chương nào, nhưng con số lịch sử đó đã cho thấy sự tiệm cận của thể thao Việt Nam với đỉnh cao thế giới và là cơ sở để chúng ta tin tưởng vào kỳ SEA Games thành công vào cuối năm. Mặc dù vậy, những dấu ấn tích cực đó không thể che giấu được nỗi thất vọng về môn thể thao vua - bộ môn luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ. Xu thế các doanh nghiệp bỏ bóng đá, những hạn chế của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (VPF) trong năm đầu tiên điều hành các giải đấu, thất bại nhiều mặt của đội tuyển nam Việt Nam tại AFF Suzuki Cup, tất cả đang đẩy các nhà quản lý tới trước những thách thức lớn trong năm nay.
Như thông báo trong cuộc họp cuối năm 2012 giữa Tổng cục Thể dục Thể thao với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Hội đồng HLV quốc gia, kế hoạch tìm kiếm HLV cho đội tuyển quốc gia (ĐTQG) sẽ là chủ đề chính trong những ngày đầu năm này. Dự kiến, trước ngày 7/1, một HLV nội sẽ được lựa chọn tạm quyền dẫn dắt đội tuyển tham dự 2 trận đầu tiên tại vòng loại Asian Cup 2015, trước khi VFF tìm ra một HLV chính thức. Sau nhiều năm sử dụng HLV ngoại và một trải nghiệm ngắn với HLV Phan Thanh Hùng, với thành công thì ít mà thất vọng thì nhiều, vấn đề “hàng nội” hay “hàng ngoại” một lần nữa lại được đem lên bàn cân. Nhưng cho dù như thế nào, mọi ý kiến đều gặp nhau ở một quan điểm: HLV mới của đội tuyển cần phải được trao nhiều cơ hội hơn để thể hiện.
Việc bổ nhiệm HLV mới cho đội tuyển cũng không nằm ngoài kế hoạch hướng tới chiếc HCV SEA Games 27. HLV mới sẽ có nhiệm vụ tuyển chọn các gương mặt xuất sắc ở lứa tuổi U23, bổ sung cho ĐTQG tham dự vòng loại Asian Cup 2015 và thi đấu một số trận giao hữu quan trọng trong năm. Điều này nằm trong chủ trương của Tổng cục TDTT và VFF, nhằm tạo những cơ hội tốt nhất cho các cầu thủ trẻ trước khi họ bước vào đấu trường chính tại Mianma vào cuối năm. Sau khi ĐTQG bị loại ngay từ vòng bảng AFF Suzuki Cup 2012, hơn lúc nào hết, bóng đá Việt Nam được chờ đợi sẽ tìm lại được vị thế đích thực của mình tại sân chơi khu vực, chứ không phải là hình ảnh có phần nghịch lý trên bảng xếp hạng FIFA cuối năm 2012 - số 1 Đông Nam Á.
Ngoài vấn đề của đội tuyển, sự chuyển mình của V-League 2013 cũng nhận được sự quan tâm lớn. Bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính, giải đấu cấp CLB hàng đầu Việt Nam đã rối tung vào cuối năm 2012, với sự tháo chạy của hàng loạt ông bầu, dẫn tới sự giải thể của nhiều đội bóng và sự thất nghiệp của nhiều cầu thủ. Ngày khởi tranh bị lùi lại đến đầu tháng 3, số lượng CLB tham dự giải rút xuống còn 12 và dự báo sẽ còn nhiều biến động khó lường trong năm nay, VFF và VPF đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Một động thái tích cực đầu tiên đã được ghi nhận là sự xuất hiện của một chuyên gia tới từ Nhật Bản, Kazuyoshi Tanabe. Cựu giám đốc điều hành của một số CLB như Yokohama, Avispa Fukuoka, Ryukyu (Nhật Bản) và Grenoble (Pháp) được VPF thuê để hỗ trợ khâu tổ chức V-League. Đây được xem là bước đi đầu tiên cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác giữa V-League và J-League, được ký hồi tháng 8/2012. Nó cũng cho thấy hướng đi của V-League trong những năm tới là nỗ lực học hỏi mô hình của một trong những nền bóng đá phát triển nhất châu Á. Sau nhiều năm phó mặc vào tay các doanh nghiệp và bộc lộ nhiều bất cập, bóng đá Việt Nam đang thực sự bước vào một ngã rẽ mới với nhiều hy vọng về sự phát triển bền vững, cho dù chặng đường đi còn nhiều chông gai.
Song Long